Phát biểu tại tọa đàm "Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp" do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 8/8 ở Hà Nội, ông Võ Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, chia sẻ 23 năm qua doanh nghiệp đã liên kết với công ty của Đức, Phần Lan, Nhật Bản, nhưng chưa thể tìm ra công nghệ tốt nhất cho vấn đề rác thải tại Việt Nam.
Rác thải ở Việt Nam khó xử lý hiệu quả do không phân loại, độ ẩm cao, trong khi đơn giá xử lý quá thấp. Tại các nước châu Âu, rác thải có độ ẩm 20%, còn ở Việt Nam lên đến 60-70%.
Ngay cả công nghệ đốt rác phát điện đang được áp dụng ở Hà Nội và Cần Thơ, theo ông Dũng cũng cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả. Rác không được phân loại, không có điều kiện độ ẩm giống như ở các nước khác thì khó đạt tiêu chuẩn về khí thải, hiệu suất.
Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, bày tỏ nghi ngại khi đốt rác phát điện. Bởi công nghệ này vẫn gây ô nhiễm, tức là chỉ làm sạch rác dưới đất và xử lý cho lên không khí. Một số nhà máy cũng đốt rác phát điện, nhưng lượng tro xỉ chôn lấp lên tới 25%, chưa kể 5% khí bụi bay ra ngoài.
Vì thế Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt, yêu cầu lò đốt rác phải đảm bảo kỹ thuật, loại bỏ lò không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, quy chuẩn này cũng đang gây ra một số băn khoăn.
Ông Huân lo ngại viễn cảnh hiệu suất nhà máy xử lý đốt rác không tốt, sản lượng điện thấp dẫn đến phải đóng cửa thì sẽ xảy ra tình trạng rác thải ùn ứ, phải chôn lấp như trước. Trong tháng 8-9 tới đây, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường sẽ chủ trì phiên giải trình chất thải rắn toàn quốc theo nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lại cho rằng mỗi công nghệ xử lý rác đều có ưu nhược điểm riêng, và không có công nghệ nào đều là ưu điểm. Bên cạnh thành phần, tính chất của rác thải, địa phương căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, tình hình thực tế tại địa phương để lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp.
Ông Hiền cũng đề nghị cần quy định chi phí xử lý rác thải dựa vào khối lượng thải ra ở từng gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh và đối với loại rác chưa phân loại. Các địa phương cũng cần lộ trình dài hơi, chuẩn bị các hạ tầng kỹ thuật liên quan đến điểm thu gom, lưu giữ, vận chuyển và 3 loại thùng đựng chất thải theo đúng quy định.
Theo Tổng cục Môi trường, mỗi ngày cả nước thải ra khoảng 60.000 tấn rác thải rắn sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm. Công nghệ xử lý rác thải chính hiện nay vẫn là chôn lấp với khoảng 70%, khoảng 10% rác được tái chế, còn lại áp dụng các hình thức khác.