Khi nói về thời đại ngày nay người ta thường dùng những thuật ngữ như "cách mạng 4.0", "trí tuệ nhân tạo", "công nghệ số"... để chỉ sự phát triển của xã hội dựa trên những thành tựu to lớn của khoa học và công nghệ mang lại.
Sự phát triển đó không chỉ diễn ra ở những nước phát triển hay thành phố lớn mà nó lan tỏa đến cả quốc gia đang phát triển và vùng nông thôn, trong đó có Việt Nam. Mọi người có thể tiếp cận nhanh nhất, đầy đủ nhất về các thông tin, ua đó nâng cao được nhận thức, tư duy khoa học, suy nghĩ tích cực và niềm tin vào thực tế cuộc sống.
Thế nhưng, hiện tại vẫn còn rất nhiều người có niềm tin vào điều hư ảo như "thỉnh vong", "dâng sao giải hạn"... như đang diễn ra tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) và một số nơi khác.
Có nhiều điều mà theo khẳng định của đại diện Phật giáo là không có trong giáo lý nhà Phật, cơ quan quản lý nhà nước cho đó là sai trái, vi phạm. Sự việc như thế nào thì còn chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng nhưng việc người ta tin rằng có thể chữa bệnh bằng cách cúng tiền cho "vong" là điều hoang đường.
Phật tử được dạy rằng "vong báo oán" là "có thật". Nó khiến con người ta "phát điên", "phát rồ, "phát dại". Vì vậy, cần phải "trục vong" mới khỏi bệnh. Điều này nghe giống với rất nhiều câu chuyện xảy ra từ trước tới nay ở các vùng nông thôn, miền núi, thể hiện qua các phong tục lạc hậu, trong các tiểu phẩm hài, chi tiết gây cười trong phim ảnh.
>> Người nghèo vất vả mới kiếm được tiền lại đem đi cúng 'vong báo oán'
Hàng tháng có cả nghìn người từ khắp nơi đến chùa này cúng bái, làm phép giải oan và nghe tuyên truyền về tâm linh liên quan vong báo oán. Sau lễ "thỉnh vong" phật tử phải cúng dường bằng tiền.
Số lượng tiền nhiều hay ít tùy theo vong nặng hay nhẹ. Cách thức có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Nếu một lần không đủ thì có thể góp nhiều lần. Nếu không có tiền thì nhận làm công quả tại chùa nhiều ngày.
Cách thức hoạt động như một doanh nghiệp thời 4.0. Và cái cuối cùng mang về cho "vong" đó là tiền. Người dân thì tiền mất tật mang, gia đình bất ổn, xã hội thì trì trệ, chậm phát triển. Đó là hệ quả mà có thể nhìn thấy ngay được.
Vậy do đâu con người ta lại có niềm tin mông muội như thế?
Khi nói về niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo phải bắt đầu từ thuở sơ khai loài người. Lúc đó con người nguyên thủy phải chống chọi lại thiên tai, các hiện tượng tự nhiên, thú dữ trong khi năng lực, nhận thức còn quá nhỏ bé.
>> 'Vong báo oán sao không đòi tiền âm phủ mà đòi tiền thật'
Tất nhiên những cuộc chiến không cân sức đó con người thường thất thế và thua cuộc. Cuộc sống vì thế rất mong manh khiến con người sợ hãi tột cùng. Điều này khiến họ phải suy nghĩ, tưởng tượng và cầu mong về một đấng thần linh tối cao nào có có thể giúp họ chiến thắng kẻ thù, vượt qua nỗi sợ hãi và bình yên trong cuộc sống.
Dần dần những suy nghĩ, những nhận thức về thần linh, đấng tối cao được phát triển, hệ thống hóa thành những học thuyết và trở thành niềm tin. Đây là sự phát triển tất yếu theo quy luật xã hội.
Ngày nay, khoa học phát triển, nhận thức của con người về sự vật, hiện tượng vì thế cũng tiến bộ, văn minh hơn. Tuy nhiên, con người vẫn chưa làm chủ được hoàn toàn thiên nhiên, xã hội vẫn còn đó những mâu thuẫn không thể giải quyết, vẫn còn đó những nỗi sợ hãi không thể giải thích.
Áp lực cuộc sống, công việc, bệnh tật, thiên tai, cạnh tranh, đố kỵ, ghen ghét, hận thù... làm cho con người mất phương hướng, mất niềm tin vào cuộc sống. Không nơi bấu víu, nương tựa, che chở khiến họ phải tìm đến một lực lượng siêu nhiên nào đó.
Tôn giáo nói chung, phật giáo nói riêng đều hướng con người ta sống tốt, lương thiện để tâm thanh thản và vì thế mà loại trừ được cái ác, đau khổ. Con người cũng vì thế mà tìm được cuộc sống hoàn thiện ở nơi "cõi bồng lai".
Đó cũng là một nhu cầu bình thường, chính đáng của con người trong xã hội phát triển. Họ tìm đến Đức Phật như là điểm tựa về tinh thần, là đấng tối cao giúp họ tai qua nạn khỏi, thoát kiếp nạn đau khổ.
>> Tôi không muốn đến ngôi chùa tuổi thơ vì được xây lại đồ sộ
Khi đến nhà chùa nghe giảng kinh phật, con người như trút bỏ hết mọi ưu phiền trần ai, tâm hồn nhẹ nhàng, thoải mái. Mọi đau khổ, sân si trong cuộc sống vì vậy mà tan biến khỏi tâm trí con người.
Hiện tượng nhiều người có niềm tin nhưng nhận thức còn hạn hẹp, dẫn đến mông muội, tin về những điều không có thực là "vong", "gọi hồn", "giải oan gia trái chủ"... chỉ là bộ phận cực đoan. Họ sẵn sàng bỏ tiền bạc, công sức, thời gian để giải quyết vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học là chữa bệnh, bằng việc làm chưa có sở cứ khoa học.
Có "cầu" ắt phải có "cung". Đã có nhiều cơ sở thờ tự tự phát do tư nhân lập ra, lừa gạt người dân không hiểu biết. Đồng bóng, bói toán cũng là một hủ tục lạc hậu cần dẹp bỏ.
Niềm tin, tín ngưỡng là điều bình thường để cho cuộc sống tốt đẹp hơn về mặt tinh thần. Nhưng cần nhận thức đúng đắn, khoa học để tránh đến mức cực đoan, ngu muội dẫn đến thiệt hại cho bản thân, gia đình và xã hội.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.