Bộ Giao thông Vận tải vừa thay mặt Chính phủ báo cáo việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa 14 về giám sát chuyên đề trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo đó, những năm qua, hầu hết dự án BOT giao thông có doanh thu thấp, không đủ bù đắp chi phí, trả lãi vay tín dụng. Nhà đầu tư phải dùng vốn tự có để bù đắp dòng tiền thiếu hụt. Sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp BOT không còn vốn tự có để trả lãi vay, gây nợ xấu cho tổ chức tín dụng.
Trong 54 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, đến năm 2022 chỉ có 7 dự án đạt doanh thu cao hơn so với hợp đồng, 43 dự án đạt 30-100% và 4 dự án đạt dưới 30%. Riêng năm 2022 có 41 dự án đạt 30-100% và 7 dự án doanh thu dưới 30%. Trong đó có 8 dự án bị thua lỗ do không được thu phí hoặc sụt giảm mạnh doanh thu.
Bộ đã đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5 dự án; sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước đối với 3 dự án. Dự kiến, nguồn vốn nhà nước để xử lý 8 dự án BOT thua lỗ khoảng 10.340 tỷ đồng.
Năm dự án dự kiến chấm dứt hợp đồng BOT trước hạn gồm: Tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa; cầu đường sắt Bình Lợi; đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp quốc lộ 3; đường Hồ Chí Minh; cải tạo quốc lộ 91 TP Cần Thơ. Ba dự án dự kiến sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước gồm: BOT cầu Ba Vì - Việt Trì; BOT cầu Thái Hà và BOT hầm Đèo Cả.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc đàm phán vẫn gặp vướng mắc. Có nhà đầu tư ban đầu thống nhất giải pháp bổ sung vốn nhà nước không quá 49% tổng mức đầu tư để tiếp tục hợp đồng, nhưng sau đó lại thay đổi quan điểm và đề nghị chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn (nhà đầu tư dự án BOT cầu Thái Hà).
Có nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ 50% tỷ suất lợi nhuận nhưng một số chỉ chấp thuận chia sẻ nếu ngân hàng tín dụng chấp thuận chia sẻ tối đa, giảm thiểu lãi suất vốn vay. Trong khi đó, các ngân hàng tín dụng chỉ cam kết theo hướng sẻ chia sẻ với nhà nước, nhà đầu tư, không đưa ra mức cụ thể.
Trước tình hình đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng để xác định mức chia sẻ của các bên, bảo đảm nguyên tắc "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro" theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đây cũng là cơ sở để xác định mức vốn nhà nước thanh toán khi chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn.
Giai đoạn 2005-2020, khi các tuyến quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh... hư hỏng, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động khoảng 247.570 tỷ đồng đầu tư 72 dự án hạ tầng theo hình thức BOT, trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn. Đến nay, các dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
Theo hợp đồng ký kết, nhà nước sẽ hỗ trợ, chia sẻ rủi ro khi dự án đạt doanh thu thấp, song qua nhiều năm vướng mắc của các dự án chưa được giải quyết. Trả lời chất vấn Quốc hội hồi tháng 6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nói nhiều dự án BOT thua lỗ do thực tế phát sinh, không phải lỗi nhà đầu tư. Ví dụ, khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khánh thành, dự án BOT trên quốc lộ 1A qua Bình Thuận bị giảm tới 83% doanh thu do phương tiện chọn đi cao tốc.
Tương tự, khi tuyến tránh Buôn Hồ hoàn thiện, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14 đoạn qua Đăk Lăk bị ảnh hưởng. Một số trạm BOT đã làm xong nhưng không được thu phí do người dân phản đối. "Rất nhiều dự án không phải lỗi do nhà đầu tư, cũng không phải lỗi của nhà nước mà do kinh tế xã hội phát triển, nhu cầu thực tiễn phát sinh, phải mở thêm tuyến này, làm thêm đoạn kia", ông Thắng nói.