Kết luận được DOC đưa ra sau khi kiểm tra số liệu nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay.
Ông David Spooner, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ, cho biết, bộ phận nhập khẩu của DOC đã phân tích số liệu trên 5 nhóm mặt hàng dệt may của Việt Nam, bao gồm quần tây, áo sơ mi, đồ lót, đồ tắm và áo ấm. DOC cho biết có 317 trong số 486 dòng sản phẩm thuộc 5 nhóm mặt hàng dệt may này không nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian qua. Nhiều sản phẩm trong số dòng còn lại có mức tăng trưởng cao nhưng chưa có bằng chứng xác thực cho thấy hàng dệt may Việt Nam bán phá giá ở Mỹ.
Đây là kết luận đầu tiên của DOC được đưa ra sau khi Mỹ bắt đầu chương trình giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam hồi đầu năm nay. Chương trình giám sát này được xem như một động thái để Mỹ xem xét, đánh giá chứng cứ và khả năng khởi động một vụ kiện phá giá hàng dệt may nguồn gốc từ Việt Nam.
Dự kiến, kết luận lần thứ hai của DOC sẽ được đưa ra vào khoảng tháng 3/2008. Đây sẽ là lần phân tích, kiểm tra số liệu hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam trong khoảng thời gian tính từ tháng 6/2007 đến tháng 1/2008. Dựa trên kết luận cuối cùng này, DOC sẽ quyết định có tiến hành điều tra bán phá giá đối với hàng dệt may Việt Nam hay không.
Tuyên bố của DOC về việc chưa có bằng chứng hàng dệt may Việt Nam phá giá được đưa ra nhân sự kiện Bộ trưởng Thương mại Mỹ Carlos M. Gutierrez chuẩn bị có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào đầu tháng tới. Đây là chuyến xúc tiến thương mại đầu tiên của nội các Mỹ và do một bộ trưởng thương mại dẫn đầu, kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam bình luận, tuyên bố của DOC là đương nhiên vì thực tế khó có khả năng hàng dệt may Việt Nam bán phá giá ở Mỹ.
8 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự đoán của Amcham, kim ngạch dệt may sẽ đạt 4,25 tỷ USD vào cuối năm nay, tức tăng 40% so với 2006.
Phan Anh