Theo ông, lộ trình điều chỉnh giá bán điện đã có từ trước, song vì mục tiêu kiểm soát lạm phát nên kế hoạch tăng giá bị chậm lại. Tuy nhiên, chưa tăng giá không có nghĩa là EVN đang kinh doanh lỗ vốn hay hoạt động kém hiệu quả. "Ngành điện không hề bị lỗ, EVN kêu thì cứ kêu chứ tiềm lực của họ chưa căng thẳng đến mức phải tăng giá điện", Thứ trưởng Bùi Xuân Khu nhấn mạnh.
Ông cho hay mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thành lập Tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác cung ứng điện của EVN. Tổ kiểm tra liên ngành này do Cục Điều tiết điện lực chủ trì với sự tham gia của Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan tiến hành, có nhiệm vụ kiểm tra lượng điện cung ứng tại các nhà máy, lịch trình cắt điện, vốn đầu tư và đặc biệt là kiểm soát xem thực sự EVN có bị lỗ như họ vẫn kêu hay không.
Trước đó ngày 23/6, Kiểm toán Nhà nước cũng vào cuộc để rà soát các hoạt động sản xuất, truyền tải, thu chi tài chính, giá thành... của Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Chính phủ sẽ căn cứ vào kết quả kiểm toán này để xem xét có cho EVN tăng giá điện hay không. |
Trong quyết định thành lập đoàn kiểm tra, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu EVN bố trí lịch sửa chữa bảo dưỡng các tổ máy một cách hợp lý, khắc phục nhanh các sự cố. Ngoài ra, EVN cần sắp xếp thứ ưu tiên các hộ sử dụng điện, đảm bảo đủ điện cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu và sản xuất các mặt hàng thiết yếu.
Với giá bán lẻ điện hiện hành, EVN chưa bị lỗ. |
Mấy năm trở lại đây, thiếu điện đã trở thành căn bệnh không có thuốc chữa. Cứ đến mùa khô, EVN lại phát đi thông báo về khả năng khó đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh trong các tháng 5, 6 và 7.
Theo EVN, trong tháng 7, nhu cầu điện tiếp tục tăng cao và có thể đạt tới trên 7,1 tỷ kWh. Mặc dù EVN đã huy động tất cả các nguồn điện hiện có nhưng tổng công suất khả dụng toàn hệ thống vẫn rất thấp. Như vậy với nhu cầu thực tế vào khoảng 230 triệu kWh một ngày, công suất đỉnh đạt khoảng 12.500 MW - 12.800MW, EVN đang đối mặt với nguy cơ thiếu từ 1.500MW - 2.500MW từ 7h sáng đến 21h tối.
Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho hay, Tập đoàn đang gặp nhiều khó khăn về vốn để triển khai các dự án điện. Danh mục đầu tư của EVN trong năm 2008 gồm 40 công trình nguồn điện, 200 công trình lưới điện 220-500kV, đồng thời hoàn thiện nốt những công trình 110kV đang dở dang. Thế nhưng trong 6 tháng qua, kế hoạch đầu tư của EVN bị "đổ bể" vì căng thẳng tài chính do tiến độ cổ phần hóa chậm, nhiều khoản vay tín dụng tại ngân hàng bị hủy bỏ do nhà băng yêu cầu tăng lãi suất hoặc từ chối cho vay.
EVN cho rằng 6 tháng đầu năm kinh doanh chưa có lãi vì đang trong giai đoạn mùa khô. Trong khi đó với giá bán điện thấp hơn so với khu vực, ngành điện khó thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng các nhà máy.
Hồng Anh