-
17h00
Quốc hội nghỉ. Sáng mai, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng tiếp tục trả lời chất vấn của 10 đại biểu đã đặt câu hỏi.
-
16h50
Nhiều câu hỏi chất vấn chờ Bộ trưởng trả lời
Cuối phiên chất vấn chiều 5/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.
Theo đại biểu Lý Thị Lan (Phó đoàn Hà Giang), thời gian qua, giá vé máy bay tăng cao, kéo theo giá tour du lịch trong nước tăng. Điều này làm ảnh hưởng tới phục hồi chung của ngành du lịch. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp với vấn đề này, nhất là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp?", bà đặt vấn đề.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Phó đoàn Đăk Nông) đánh giá việc thu hút đầu tư du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn khó khăn. Một số dự án đầu tư của Nhà nước tại đây chưa hiệu quả. Ông Mai muốn biết giải pháp cho vấn đề nêu trên.
Đại biểu Trần Đình Gia (Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa cần nguồn lực xã hội hóa bên cạnh nguồn lực Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực này nhưng còn do dự vì thiếu cơ chế, chính sách. "Tới đây, Bộ sẽ có chính sách gì để thu hút nguồn lực xã hội hóa ở lĩnh vực này", ông chất vấn.
Theo ông Gia, hiện nhiều đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch như bảo tàng, thư viện, trung tâm thể thao... gặp khó trong việc tự chủ. Nguyên nhân là do Bộ chưa ban hành đơn giá dịch vụ công nên việc tự chủ khó khăn. "Khi nào bộ sẽ ban hành đơn giá này, gỡ khó cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành văn hóa, thể thao?", ông Gia hỏi.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó đoàn Ninh Bình) cho rằng công nghiệp văn hóa là đòn bẩy giúp bảo tồn, phát huy văn hóa bền vững, nhưng chưa có sự liên kết với du lịch. "Chúng ta cần làm gì để phát huy vai trò công nghiệp văn hóa với du lịch", bà chất vấn.
-
16h40
Bảo tồn 120 lễ hội của người dân tộc thiểu số
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh, cho biết văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã được bảo tồn đồng bộ như tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, hoạt động văn hóa nghệ thuật. Cả nước còn có 3 bảo tàng cấp trung ương, 65 bảo tàng cấp tỉnh để trưng bày các giá trị văn hóa, trong đó có dân tộc thiểu số; 145 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay cả nước có 92% số thôn có nhà văn hóa, 56% số thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên. So với mục tiêu Quốc hội đặt ra thì kết quả cơ bản đã đạt được.
Ông Lềnh cho biết thời gian tới, 120 lễ hội của người dân tộc thiểu số sẽ được bảo tồn; 80 bản làng truyền thống được xây dựng, bảo tồn để phát văn hóa kết hợp du lịch; 20 mô hình văn hóa cấp thôn, 800 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, 80 điểm đến tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được xây dựng mới.
-
16h30
Đề xuất các bộ phim do nhà nước sản xuất được bán vé
Đại biểu Lê Đào An Xuân (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên) cho rằng điện ảnh là phương thức hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước và xúc tiến du lịch. Ví dụ như phim Chuyện của Pao quảng bá hình ảnh Hà Giang, Hoa vàng trên cỏ xanh quảng bá Phú Yên. Gần đây, phim Đào, Phở và Piano do Nhà nước đặt hàng có chất lượng cao, truyền bá tốt lịch sử, được công chúng đón nhận.
Bà Xuân đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ có giải pháp gì để hỗ trợ điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là các bộ phim do Nhà nước đặt hàng phát huy hiệu quả, đến với đông đảo khán giả.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch cho biết sau khi Luật điện ảnh có hiệu lực đã hỗ trợ quản lý Nhà nước và là công cụ để phát triển điện ảnh. Từ đó, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Sắp tới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút nhà làm phim nước ngoài nhằm quảng bá hình ảnh đất nước.
"Nước ta có lợi thế là các phim trường tự nhiên rất đẹp", ông Hùng nói, hy vọng thời gian tới sẽ tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến du lịch qua điện ảnh, từ đó có nhiều bộ phim điện ảnh chất lượng.
Theo ông, mỗi năm Nhà nước chỉ có khoảng 60-70 tỷ đồng để đặt hàng làm phim nên các đơn vị phải cố gắng chuẩn bị thật tốt. Hơn nữa, "phim Nhà nước" có điểm nghẽn là không được bán vé. "Sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất để các bộ phim Nhà nước đặt hàng có chất lượng tốt sẽ được bán vé để phim đến với đông đảo công chúng hơn", ông Hùng nói.
-
16h20
Cần bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Giám đốc Khu Du lịch Cửa Biển) tranh luận, cho rằng du lịch cũng cần tiếp thu văn minh nhân loại. Hiện nay, Việt Nam mới có bộ nhận diện du lịch biển, đảo, song quy mô quốc gia chưa có bộ nhận diện bản sắc Việt Nam.
"Khách quốc tế ít quay lại với du lịch Việt Nam là vì chúng ta chưa làm rõ bản sắc Việt Nam để đọng lại trong lòng du khách. Đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quan điểm về của mình về việc xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam", ông Cảnh nói.
Bộ trưởng Hùng cho rằng đề xuất của đại biểu Cảnh rất cần thiết, tuy nhiên khi rà soát cơ sở pháp lý để xây dựng bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam thì chưa có.
Ông cho biết năm 2011, Chính phủ giao Bộ lựa chọn quốc hoa. Khi đó Bộ đề xuất nhận diện hoa sen là quốc hoa, nhưng khi trình đề xuất này lên thì mới nhận ra chưa có quy định ai là người có thẩm quyền công nhận. "Cuối cùng, không ai có thẩm quyền ký phê duyệt quốc hoa cả", ông Hùng nói.
Bộ trưởng tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung khoảng trống về mặt pháp lý này. Ông gợi ý có thể giao cho một Bộ hoặc đưa vào Luật Tổ chức Chính phủ để Chính phủ có thẩm quyền công nhận.
-
16h10
Mỗi tỉnh thành cần xây dựng sản phẩm du lịch riêng
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Phó đoàn Bến Tre) đánh giá ngành du lịch vừa qua rất nỗ lực thu hút khách du lịch thông qua việc miễn thị thực, cấp thị thực điện tử. Tuy nhiên do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, lượng khách du lịch chưa như mong muốn. Bà đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết định hướng, giải pháp để giải bài toán liên kết, chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị du lịch?
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Phó đoàn TP Cần Thơ) cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để thúc đẩy hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương?
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thể chế trong lĩnh vực du lịch đã khá đồng bộ. Việc các địa phương cần làm là bám sát các quy định, có quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, cũng như phát huy vai trò, hoạt động của vùng.
"Mỗi địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm du lịch riêng và liên kết với các địa phương khác. Nhà nước sẽ định hướng về chủ trương, còn sự sáng tạo của doanh nghiệp, người dân", ông nói, lưu ý cần giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ các thương hiệu mà các tổ chức quốc tế đã vinh danh.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chú trọng thị trường nội địa 100 triệu dân, xem du lịch nội địa là bệ đỡ. Du lịch cần đi trên cả hai chân - dựa vào cả du lịch quốc tế và trong nước.
Hiện, tỷ trọng du lịch quốc tế là 55%, trong nước khoảng 45%. Về lâu dài, tỷ lệ này cần cân đối 50-50 để Việt Nam có nền du lịch bền vững.
-
16h00
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gene để tuyển chọn vận động viên
Theo đại biểu Trần Văn Tuấn (Phó đoàn Bắc Giang), năm 2019 Chính phủ phê duyệt Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035". "Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên, Bộ đã phối hợp tham mưu xây dựng được những cơ chế, chính sách gì và kết quả thực hiện ra sao, đặc biệt là các chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng?", ông Tuấn đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói Bộ đã phối hợp bộ ngành liên quan đề xuất ban hành nhiều chế độ chính sách. Vận động viên, huấn luyện viên thành tích cao được thụ hưởng 7 nhóm chính sách hiện hành như tiền lương, tiền công, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và chế độ tiền thưởng; dinh dưỡng đặc thù; trang thiết bị luyện tập; chế độ học tập văn hóa; ưu tiên xét thẳng đại học; ưu đãi học nghề, giải quyết việc làm, đặc thù vào nghề tuổi dưới 15.
Để cụ thể hóa, Bộ sẽ xây dựng thêm quy định về tuyển chọn, đào tạo tài năng, chỉ tiêu, tiêu chí tuyển chọn. Căn cứ vào các bộ môn thể thao thành tích cao của ASIAD, Olympics và thực tiễn, Bộ đã chọn ra được 15 bộ môn để tập trung huấn luyện, đào tạo. Ở trung tâm đào tạo cấp trung ương quản lý, hàng năm có hơn 2.500 vận động viên được đào tạo.
Bộ trưởng cho rằng chính sách đã tương đối đầy đủ. Để nâng cao chất lượng vận động viên, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ tập trung cho nghiên cứu khoa học thể thao, phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài. "Chúng ta phải ứng dụng công nghệ gene, phân tích gene để tuyển chọn vận động viên đưa vào đào tạo", ông Hùng nói.
-
15h25
Trường đua F1 tại Hà Nội xây xong lại bỏ
Đại biểu Nguyễn Công Long (Thường trực Ủy ban Tư pháp) nêu thực trạng dự án xây dựng đường đua công thức 1 tại Mỹ Đình, Hà Nội, được thực hiện rất hoành tráng, hiện đại, nhưng sau khi hoàn thiện lại bỏ không. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khai thác đường đua này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết công trình đường đua F1 do UBND Hà Nội là chủ đầu tư và triển khai xây dựng. Do nhiều lý do khách quan chủ quan, dự án đã hoàn thành nhưng không được triển khai nữa.
"Với tư cách là cơ quan phối hợp, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã bàn giao mặt bằng đất đai để các đơn vị thực hiện. Để biết chính thức đường đua đó có được đưa vào hoạt động hay không, nhờ Hà Nội giúp trả lời", Bộ trưởng Hùng nói.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu lãnh đạo Hà Nội có văn bản trả lời đại biểu Nguyễn Công Long.
-
15h20
Vì sao bất cập tại Khu liên hợp Mỹ Đình chưa được giải quyết
Đại biểu Nguyễn Công Long (Thường trực Ủy ban Tư pháp) đề nghị Bộ trưởng thông tin về kết quả giải quyết bất cập tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình; giải pháp xử lý thời gian tới. "Cử tri kiến nghị các đề án khai thác khu liên hợp thể thao này đã có, nhưng bị ngâm rất lâu, chưa được phê duyệt. Phải chăng có tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm?", ông chất vấn.
Bộ trưởng Hùng cho biết sau khi thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2021, Bộ đã tập trung rà soát, xử lý các kiến nghị của thanh tra. "Chúng tôi đang làm và đã báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng", ông Hùng nói.
Theo Bộ trưởng, Bộ sẽ cho rà soát quy định, xử lý vấn đề liên quan đất đai và xử lý các nội dung còn tồn đọng, tiếp cận theo hướng Nhà nước đầu tư nhưng cần có đề án cụ thể để khai thác, sử dụng hiệu quả. Sau khi Thủ tướng phê duyệt các đề án này, Bộ mới có cơ sở để giải quyết căn cơ các bài toán, từ nợ thuế đất, đưa vào sử dụng theo hướng đầu tư công - quản trị tư hiệu quả hơn.
-
15h15
'Không có tham ô, tham nhũng quỹ phát triển du lịch'
Tranh luận về Quỹ phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng nếu giao quỹ này cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, rồi Bộ lại gửi tiền này vào ngân hàng thì không cần Ban quản lý quỹ.
Theo ông Thân, việc quản lý tiền của quỹ này nên giao cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch với nguyên tắc không làm thất thoát tiền của Nhà nước. Việc quản lý quỹ này có thể giao cho Văn phòng Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay Quỹ phát triển du lịch được hình thành từ 2021. Số tiền 300 tỷ đồng là vốn điều lệ của quỹ, theo quy định không được phép chi cho các hoạt động xúc tiến du lịch, mà phải gửi tại Kho bạc Nhà nước. Khoản lãi từ tiền gửi này dành chi cho hoạt động bộ máy. Còn tiền chi cho hoạt động xúc tiến du lịch được trích từ khoản thu tiền vé tại các khu di tích hằng năm, mức này khoảng 5-10%. "Năm nào thu được nhiều thì Bộ Tài chính cấp nhiều, năm nào thu ít thì cấp ít", ông thông tin.
Tuy vậy, Bộ trưởng Hùng nhìn nhận bộ máy vận hành, điều hành của quỹ này vừa qua chưa ổn, có tiền mà không tiêu được. Vừa qua, Bộ đã thay chủ tịch, giám đốc của quỹ này. Phần tiền Quỹ phát triển du lịch được chi nhưng không tiêu hết, vẫn nằm trong kho quỹ và không được chuyển nguồn sang năm sau.
"Đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng tham ô, tham nhũng quỹ. Chúng tôi sẽ chấn chỉnh điều hành, trước mắt tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch để phát huy hiệu quả quỹ", ông Hùng nói.