Chiều 5/6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội. 89 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó chính sách phát triển du lịch được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm, đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Chí Cường (Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho biết sau Covid-19 thì Chính phủ, Quốc hội đã hỗ trợ du lịch bằng chính sách tài khóa tiền tệ, bố trí 300 tỷ đồng cho phát triển du lịch. Song số tiền này hiện vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng, lãi định kỳ được rút ra để chi cho bộ máy hành chính quản lý quỹ. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chưa giải ngân được khoản tiền này và giải pháp thời gian tới.
Ông Hùng cho biết 300 tỷ đồng này không phải để hỗ trợ phát triển du lịch như đại biểu nêu mà là "vốn điều lệ" của quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Hiện nay 150 tỷ đồng đã được gửi ngân hàng để bảo tồn, lãi rút ra chi cho bộ máy. Số tiền còn lại vẫn gửi ở Kho bạc Nhà nước. Theo Bộ trưởng, quỹ này hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập nên không tránh khỏi những vướng mắc. Thời gian tới, Bộ sẽ tìm các giải pháp để thay đổi.
Tranh luận, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng nếu giao quỹ này cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, rồi Bộ lại gửi tiền này vào ngân hàng thì không cần Ban quản lý quỹ.
Theo ông Thân, việc quản lý tiền của quỹ này nên giao cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch với nguyên tắc không làm thất thoát tiền của Nhà nước. Việc quản lý quỹ này có thể giao cho Văn phòng Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay Quỹ phát triển du lịch được hình thành từ 2021. Số tiền 300 tỷ đồng là vốn điều lệ của quỹ, theo quy định không được phép chi cho các hoạt động xúc tiến du lịch, mà phải gửi tại Kho bạc Nhà nước. Khoản lãi từ tiền gửi này dành chi cho hoạt động bộ máy. Còn tiền chi cho hoạt động xúc tiến du lịch được trích từ khoản thu tiền vé tại các khu di tích hằng năm, mức này khoảng 5-10%. "Năm nào thu được nhiều thì Bộ Tài chính cấp nhiều, năm nào thu ít thì cấp ít", ông thông tin.
Tuy vậy, Bộ trưởng Hùng nhìn nhận bộ máy vận hành, điều hành của quỹ này vừa qua chưa ổn, có tiền mà không tiêu được. Vừa qua, Bộ đã thay chủ tịch, giám đốc của quỹ này. Phần tiền Quỹ phát triển du lịch được chi nhưng không tiêu hết, vẫn nằm trong kho quỹ và không được chuyển nguồn sang năm sau.
"Đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng tham ô, tham nhũng quỹ. Chúng tôi sẽ chấn chỉnh điều hành, trước mắt tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch để phát huy hiệu quả quỹ", ông Hùng nói.
Theo Quyết định 49/2018, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu. Quỹ có chức năng bố trí kinh phí tổ chức triển khai hoạt động xúc tiến du lịch và hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch theo quy định của Luật Du lịch, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Phó đoàn Bến Tre) đánh giá ngành du lịch vừa qua rất nỗ lực thu hút khách du lịch thông qua việc miễn thị thực, cấp thị thực điện tử. Tuy nhiên do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, lượng khách du lịch chưa như mong muốn. Bà đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết định hướng, giải pháp để giải bài toán liên kết, chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị du lịch?
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Phó đoàn TP Cần Thơ) cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để thúc đẩy hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương?
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thể chế trong lĩnh vực du lịch đã khá đồng bộ. Việc các địa phương cần làm là bám sát các quy định, có quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, cũng như phát huy vai trò, hoạt động của vùng.
"Mỗi địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm du lịch riêng và liên kết với các địa phương khác. Nhà nước sẽ định hướng về chủ trương, còn sự sáng tạo của doanh nghiệp, người dân", ông nói, lưu ý cần giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ các thương hiệu mà các tổ chức quốc tế đã vinh danh.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chú trọng thị trường nội địa 100 triệu dân, xem du lịch nội địa là bệ đỡ. Du lịch cần đi trên cả hai chân - dựa vào cả du lịch quốc tế và trong nước. Hiện, tỷ trọng du lịch quốc tế là 55%, trong nước khoảng 45%. Về lâu dài, tỷ lệ này cần cân đối 50-50 để Việt Nam có nền du lịch bền vững.
Về đề án kinh tế đêm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chọn 12 tỉnh, thành phố phát triển một số sản phẩm du lịch đêm. Các địa phương này phát triển kinh tế, sản phẩm du lịch đêm theo mô hình phát triển các khu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí...
Theo ông Hùng, nhiều địa phương đã triển khai đề án phát triển kinh tế đêm, tập trung vào du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một số sản phẩm du lịch đêm nổi bật được các địa phương xây dựng, như "Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - tinh hoa đạo học", "Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm", "Đêm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình" ,"Quận 1 - Sắc màu đêm"...
Tuy vậy, đây là vấn đề mới và khó, bởi sản phẩm du lịch là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành. Để giải bài toán phát triển kinh tế, du lịch đêm, ông Hùng cho rằng các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm phát triển kinh tế đêm. Cùng với đó, chính quyền cần có chính sách, chế độ cho những người tham gia (như diễn viên biểu diễn chương trình nghệ thuật, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự...) và nghiên cứu phát triển thị trường. Việc này tránh tình trạng "không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ", rất lãng phí.
Xử lý tiêu cực trong thể thao
Vấn nạn tiêu cực trong thể thao cũng như bất cập về chế độ bồi dưỡng vận động viên được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Phó đoàn Quảng Bình) nhắc lại sự việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn. Sự việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh thể thao thành tích cao trong mắt công chúng và xấu đi hình ảnh thầy trò tình nghĩa.
Theo bà, đây cũng là mặt trái của thể thao thành tích cao và phơi bày chế độ đãi ngộ chưa phù hợp, công tác quản lý chưa hiệu quả. Bà Tâm đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp căn cơ.
Thừa nhận tiêu cực trong thể thao "là nhức nhối" của ngành, song Bộ trưởng Hùng cho hay hai vụ việc liên quan đến tiền ăn của đội bóng bàn và tiền của đội thể dục dụng cụ chỉ là "cá biệt". Khi phát hiện ra, Bộ đã kiên quyết xử lý với phương châm không có ngoại lệ, làm nghiêm và thực tế là đã kỷ luật hành chính, công khai thông tin. Đơn vị cũng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xem xét dấu hiệu vi phạm, điều tra, xử lý nghiêm nếu có.
"Chúng tôi không dung túng, bao che cho ai cả", ông Hùng nói và thừa nhận hai vụ việc trên Bộ đã chậm nắm bắt vấn đề. Theo ông, ban đầu mục đích của các đội là góp quỹ để hỗ trợ, bồi dưỡng nhau khi khó khăn. "Nếu quản lý chặt, không để huấn luyện viên lạm dụng thì có lẽ đã không có tiêu cực xảy ra".
Ông Hùng cho biết Bộ đã hoàn chỉnh quy định quản lý đội tuyển từ huấn luyện đến quản lý; tăng cường kiểm tra về chế độ chính sách, đảm bảo công khai minh bạch.
Đại biểu Trần Quang Minh (Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình) nói đa số vận động viên đều chung nỗi lo sẽ làm gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu, bởi thời gian thi đấu đỉnh cao ngắn. Sau giải nghệ, chỉ số ít chuyển sang làm công tác huấn luyện, nhiều vận động viên phải từ bỏ đam mê thể thao.
Theo Nghị định 36/2019, Chính phủ đã có chính sách ưu đãi về học nghề cho vận động viên thành tích cao. Tuy nhiên, để hưởng cơ hội này vận động viên "phải may mắn vì không ít người bị chấn thương không được hưởng ưu đãi". "Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đảm bảo tương lai cho vận động viên sau giải nghệ, đặc biệt là người gặp chấn thương?", đại biểu Minh nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Nhà nước rất quan tâm đến thể thao, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ vận động viên thành tích cao. Trong đó có chính sách ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng trong thi đấu, góp phần động viên họ.
Nhưng việc giải quyết việc làm cho vận động viên sau thời kỳ đỉnh cao còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là trình độ đào tạo, nghề nghiệp của họ chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian thi đấu. Nghề nghiệp chuyển đổi cũng chưa thích hợp với các vận động viên. Vì vậy, không phải tất cả đều được làm công tác huấn luyện tại các đơn vị sự nghiệp.
Bộ trưởng cho rằng cần đổi mới hướng tiếp cận, giúp họ có việc làm bằng nhiều cách khác nhau. Bộ đang đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới để tạo điều kiện cho vận động viên yên tâm thi đấu và được phát triển nghề theo đúng nguyện vọng cá nhân. Các chính sách bao gồm: tiền lương, phụ cấp đặc thù, nhà ở và đào tạo nghề sau thi đấu.
Theo đại biểu Trần Văn Tuấn (Phó đoàn Bắc Giang), năm 2019 Chính phủ phê duyệt Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035". "Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên, Bộ đã phối hợp tham mưu xây dựng được những cơ chế, chính sách gì và kết quả thực hiện ra sao, đặc biệt là các chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng?", ông Tuấn đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói Bộ đã phối hợp bộ ngành liên quan đề xuất ban hành nhiều chế độ chính sách. Vận động viên, huấn luyện viên thành tích cao được thụ hưởng 7 nhóm chính sách hiện hành như tiền lương, tiền công, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và chế độ tiền thưởng; dinh dưỡng đặc thù; trang thiết bị luyện tập; chế độ học tập văn hóa; ưu tiên xét thẳng đại học; ưu đãi học nghề, giải quyết việc làm, đặc thù vào nghề tuổi dưới 15.
Để cụ thể hóa, Bộ sẽ xây dựng thêm quy định về tuyển chọn, đào tạo tài năng, chỉ tiêu, tiêu chí tuyển chọn. Căn cứ vào các bộ môn thể thao thành tích cao của ASIAD, Olympics và thực tiễn, Bộ đã chọn ra được 15 bộ môn để tập trung huấn luyện, đào tạo. Ở trung tâm đào tạo cấp trung ương quản lý, hàng năm có hơn 2.500 vận động viên được đào tạo.
Bộ trưởng cho rằng chính sách đã tương đối đầy đủ. Để nâng cao chất lượng vận động viên, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ tập trung cho nghiên cứu khoa học thể thao, phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài. "Chúng ta phải ứng dụng công nghệ gene, phân tích gene để tuyển chọn vận động viên đưa vào đào tạo", ông Hùng nói.
Xử lý bất cập tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình
Đại biểu Nguyễn Công Long (Thường trực Ủy ban Tư pháp) đề nghị Bộ trưởng thông tin về kết quả giải quyết bất cập tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình; giải pháp xử lý thời gian tới. "Cử tri kiến nghị các đề án khai thác khu liên hợp thể thao này đã có, nhưng bị ngâm rất lâu, chưa được phê duyệt. Phải chăng có tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm?", ông chất vấn.
Bộ trưởng Hùng cho biết sau khi thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2021, Bộ đã tập trung rà soát, xử lý các kiến nghị của thanh tra. "Chúng tôi đang làm và đã báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng", ông Hùng nói.
Theo Bộ trưởng, Bộ sẽ cho rà soát quy định, xử lý vấn đề liên quan đất đai và xử lý các nội dung còn tồn đọng, tiếp cận theo hướng Nhà nước đầu tư nhưng cần có đề án cụ thể để khai thác, sử dụng hiệu quả. Sau khi Thủ tướng phê duyệt các đề án này, Bộ mới có cơ sở để giải quyết căn cơ các bài toán, từ nợ thuế đất, đưa vào sử dụng theo hướng đầu tư công - quản trị tư hiệu quả hơn.
Trả lời ông Long về dự án xây dựng đường đua công thức 1 tại Mỹ Đình, Hà Nội, "được thực hiện rất hoành tráng, hiện đại, nhưng sau khi hoàn thiện lại bỏ không", ông Hùng cho biết công trình đường đua F1 do UBND Hà Nội là chủ đầu tư và triển khai xây dựng. Do nhiều lý do khách quan chủ quan, dự án đã hoàn thành nhưng không được triển khai nữa.
"Với tư cách là cơ quan phối hợp, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã bàn giao mặt bằng đất đai để các đơn vị thực hiện. Để biết chính thức đường đua đó có được đưa vào hoạt động hay không, nhờ Hà Nội giúp trả lời", Bộ trưởng Hùng nói.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu lãnh đạo Hà Nội có văn bản trả lời đại biểu Nguyễn Công Long.
Kết thúc phiên chiều 5/6, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết sáng mai Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời chất vấn của 10 đại biểu đã đặt câu hỏi và một nội dung tranh luận. Sau đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ thay mặt Chính phủ giải đáp các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này.
Xem diễn biến chính