Ngọng là gì? Theo tôi, là khi một người phát âm chưa chuẩn một cách có hệ thống một âm nào đó, khác với số đông xung quanh hay khác một cộng đồng. Gọi là "có hệ thống" vì cái sai ấy áp dụng cho tất cả các từ có chứa âm đó, chứ không phải chỉ sai một từ riêng lẻ.
Tuy nhiên, khi không phải một người, mà cả một cộng đồng phát âm sai, thì người ta không gọi là ngọng. Họ gọi đó là ngôn ngữ địa phương, hay phương ngữ. Một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, người dân đọc r thành g, ắt thành ắc, v thành d. "Bắc con cá gô bỏ dô gổ" thay vì "Bắt con cá rô bỏ vô rổ". Một số nơi khác, ôi đọc là âu, tức "bà nội" thì đọc là "bà nậu". Người miền Nam nói chung thường đọc âm "dz" thay cho cả v và gi, "vui vẻ" thành "dzui dzẻ"; cũng không phân biệt dấu hỏi và dấu ngã trong phát âm. Một số bạn bè tôi người miền Trung đọc âm oang thành oan, như "Ngọc Hoàng" thành "Ngọc Hoàn"; hay am thành ôm, như "đi làm" thành "đi lồm". Tương tự, một số tỉnh miền Bắc đọc nhầm l và n, hay ưu đọc là iu; "uống rượu" đọc là "uống rịu"... Phương ngữ ở Việt Nam thật sự rất nhiều, khó mà kể hết.
Người ta có thể nói một cá nhân nói ngọng, nhưng không thể nói cả một tỉnh nói ngọng. Và ngọng hay không, có khi đơn giản chỉ là chúng ta dùng một hệ quy chiếu này để đánh giá đối tượng ở một hệ quy chiếu khác. Trước khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, phát âm l, n của dân Hà Tây không được nhìn nhận là một vấn đề. Nhưng nay khi là một phần Hà Nội, thứ phương ngữ đó được coi là là "nói ngọng".
Con người tiếp thu ngôn ngữ từ những người xung quanh, trong đó có phát âm. Vì thế, thay đổi cách phát âm cho một cộng đồng dường như bất khả thi. Người ta có thể được hướng dẫn cách sắp xếp các cơ quan phát âm như lưỡi, răng, môi sao cho đúng, đọc đúng một số từ trong lớp học chữa ngọng. Nhưng sau những giờ học đó, người ta dễ dàng quay lại cách phát âm quen thuộc trước đây, đặc biệt là khi tất cả mọi người xung quanh đều phát âm "sai". Khi đó, người phát âm "đúng" lại trở thành người nói ngọng. Sự thật là, khi tất cả mọi người đều phát âm như nhau, họ có cảm giác dễ chịu hơn, hiểu nhau hơn khi giao tiếp.
Bạn thân của tôi, Nam, quê ở Nam Định, chuyển vào TP HCM sống từ năm lớp Bảy. Cả gia đình bạn vốn phát âm l thành n, như "đừng lo lắng" thì thành "đừng no nắng". Đến khi trở thành sinh viên Đại học Bách Khoa TP HCM, Nam tham dự một lớp dẫn chương trình. Các bạn cùng lớp nhận xét: "Nói vậy nghe kỳ sao sao á". Nam bảo: "Tôi quyết sửa". Cậu nhờ các bạn trong lớp chỉnh giùm mỗi khi nói ra từ đó. Dần dần, sau một năm, tự chủ động rèn phát âm, Nam gần như không còn nhầm nữa. Nói "gần như" là bởi vì Nam đã sửa phát âm l, n được trong ý thức, chứ sự thay đổi chưa đi vào tiềm thức, nên đôi khi cậu viết đúng nhưng nói vẫn nhầm hai âm đó; hoặc khi nói vội, phản ứng nhanh, quên mất thì vẫn nói ngọng. Song, qua Nam, tôi tin rằng khi có mục tiêu rõ ràng và bản thân cảm thấy cần thiết, người ta sẽ tự tìm cách chữa phát âm cho mình.
"Mục tiêu rõ ràng và cảm thấy cần thiết" xuất hiện trong ba trường hợp. Thứ nhất, những người nói chuyện trước công chúng, bao gồm cả quan chức, chính trị gia, giáo viên, người dẫn chương trình, người chuyển tải thông tin trên các kênh truyền thông đại chúng... Bởi với tính chất công việc, thông điệp họ chuyển tải đi cần rõ ràng, mạch lạc, và phát âm đúng là điều kiện cần thiết.
Thứ hai, những người gặp khó khăn trong việc giao tiếp với người khác, nhất là khi họ di chuyển ra khỏi cộng đồng quen thuộc. Khi phương ngữ của chúng ta khác đa số khiến chất lượng sống, công việc và học tập đều bị ảnh hưởng, thì việc thay đổi cách phát âm sẽ giúp chúng ta hòa nhập tốt hơn. Rất nhiều bạn tôi có thể nói được hai giọng: một giọng hòa nhập với cộng đồng sinh sống mới, và một giọng địa phương của mình.
Thứ ba là người bắt đầu học một ngôn ngữ có hệ thống, ví dụ như tiếng Việt cho các em tiểu học và tiếng Anh với số đông người Việt Nam. "Night" không thể là "light".
Hai trong số ba trường hợp trên có thể thực hiện ở góc độ cá nhân mỗi người. Riêng về việc học tiếng trong nhà trường, với kinh nghiệm của tôi, giáo viên và học sinh có thể sử dụng những chiến thuật khác để tránh viết sai chính tả mà vẫn giữ được phương ngữ của mình. Khái niệm "nờ cao" hay "nờ thấp" để giúp phân biệt l và n là một loại "chiến thuật" cơ bản và nhiều người đều biết. Một cách nữa là luôn chú ý tra từ điển khi viết nếu có nghi ngờ. Với Internet, các từ điển tiếng Việt trực tuyến miễn phí hiện đều có thể truy cập bất kể lúc nào.
Ngoài ra, đọc nhiều sách vở để quen với mặt chữ cũng như rèn viết chính tả là điều cần thiết. Người miền Nam dù phát âm d chung cho d, v, gi, nhưng khi viết vẫn viết đúng "vui vẻ" thay vì "dui dẻ", cũng như người miền Bắc vẫn viết đúng "da dẻ" thay vì "gia giẻ", nếu họ đọc đủ nhiều.
Thay vì cố gắng thay đổi thói quen phát âm của tất cả mọi người, hoặc gán nó với mục tiêu có vẻ khiên cưỡng là "gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt", tôi tự hỏi liệu chúng ta có thể tôn trọng phương ngữ như một sự đa dạng của ngôn ngữ dân tộc? Khi tiếp cận việc sửa phát âm như những chiến thuật để ghi nhớ trong các tình huống cần thiết, chứ không phải là cố gắng phủ nhận sạch trơn cách phát âm cũ, ta có thể thu được những kết quả tích cực hơn trong cái gọi là "chữa ngọng"?
Nguyễn Lừng Danh