Bên cạnh sự háo hức mong chờ đón Tết thì đan xen đó có lẽ là nỗi lo âu về kinh tế đối với nhiều người. Vào dịp Tết, nhu cầu mua sắm của mọi người tăng cao. Nào là tiền chúc Tết, sắm thực phẩm Tết, vé máy bay hay vé tàu xe về quê, quà biếu bố mẹ, họ hàng ở quê, lì xì, bất kỳ điều gì cũng cần phải chi tiền.
Dù cho có lương tháng 13 hay thưởng Tết thì cũng chưa chắc đã đủ tiêu, huống hồ với những viên chức nhà nước chỉ được nhận mấy triệu tiền thưởng hay những người lao động nghèo không có thưởng Tết.
Trong vài năm gần đây, tình hình kinh tế có phần ảm đạm. Không thưởng Tết, mất việc, cắt giảm lương... khiến không ít người đã khó khăn nay còn khó khăn hơn.
Hàng ngày đọc báo, tôi nghe thông tin ngành nọ, doanh nghiệp kia thưởng Tết, lương tháng 13; thậm chí có đơn vị thưởng vài chục triệu cho nhân viên, người lao động khiến tôi không khỏi chút chạnh lòng.
Đó có lẽ là tâm trạng của hầu hết nhà giáo chúng tôi. Bạn bè tôi làm đủ ngành nghề, cứ cuối năm lại rôm rả câu chuyện tết này được bao nhiêu. Công chức có, viên chức có, nhà giáo có, làm doanh nghiệp có nên câu chuyện muôn màu muôn vẻ. Một số bạn làm doanh nghiệp nhận mức thưởng bằng 2-3 tháng lương. Mấy người bạn làm giảng viên ở trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội... đều được thưởng tết cao hơn tôi rất nhiều.
Đi đâu mà ai hỏi thưởng Tết được bao nhiêu thì xấu hổ không dám nói vì thấp quá. Nhiều người nhìn vào nhà giáo tưởng chúng tôi giàu có lắm vì dạy thêm, nhưng thực ra chỉ số ít thôi. Chỉ những ai dạy các môn chính như Văn, Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, còn các môn khác lấy đâu ra học trò mà dạy thêm.
Học sinh phổ thông mới cần đi học thêm để ôn thi vào lớp 6, lớp 10 và đại học chứ sinh viên đại học có ai đi học thêm? Thế nên, ai đã theo nghề giáo phải kiếm cho mình một nghề tay trái để nuôi nghề tay phải.
Bản thân tôi ngoài công việc chính ở cơ quan ra, vẫn phải đi dạy thỉnh giảng các trường khác vào thứ 7, chủ nhật. Buổi tối vẫn phải viết báo, dịch tài liệu thì mới tạm đủ nuôi 2 con ở mức trung bình. Tiền Tết của cơ quan đã trả rất sớm từ ngày 23/1 nhưng thú thực là ít quá, chưa đến Tết, chưa kịp đi siêu thị mua sắm gì đã tiêu hết luôn.
Bởi vì, các khoản nộp học cho 2 con quá nhiều từ học ở trường, học thêm các môn khác ở ngoài. Các cháu học sinh ở Hà Nội muốn thi đỗ các trường đại học tốp đầu đều phải lo thi các loại chứng chỉ như Ielts, SAT, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... để có thể xét tuyển đại học. Nếu chỉ xét tuyển bằng học bạ hay điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia thì rất khó đỗ vào trường tốt. Nên là chưa đến Tết, chưa đi mua sắm, chỉ ngồi ở nhà chuyển khoản học phí cho con đã hết luôn tiền.
Nhìn lên thì chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống thì đúng là còn nhiều người không bằng mình. So với những đồng nghiệp khác ở các trường ở miền núi, vùng sâu vùng sa, họ không có thưởng Tết hoặc chỉ được thưởng vài trăm nghìn đồng thì tôi được vẫn là còn may mắn.
Một số bạn làm chủ doanh nghiệp nhưng làm ăn thua lỗ bị phá sản, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, nợ ngân hàng, nợ bạn bè, phải trốn nợ khắp nơi, tiền nuôi con cũng không có. Nhìn rộng ra bên ngoài xã hội, còn nhiều người làm công nhân không có việc làm hoặc có việc nhưng ít, thu nhập cắt giảm. Thực tế cho thấy, thưởng Tết năm nay thấp hơn năm ngoái khiến nhiều công nhân hoang mang.
Thậm chí, với những doanh nghiệp có mức thưởng bằng với năm ngoái thì trong tình hình giá cả leo thang như hiện nay, mang số tiền ấy mà đi sắm Tết thì chỉ bằng 1 nửa năm ngoái. Một số anh em ngoại tỉnh không có điều kiện về quê ăn Tết, phải ở lại thành phố tìm việc làm thêm xuyên Tết. Và với tình cảnh như hiện nay thì đường về quê của nhiều công nhân đúng là xa vời vợi.
Không hy vọng về quê, họ chấp nhận ở lại thành phố ăn một cái Tết lầm lụi với những giọt nước mắt chắc chắn sẽ rơi trong đêm giao thừa. Những người lao động nghèo vì cuộc sống, họ chấp nhận xa quê, sống tạm bợ trong xóm trọ dột nát, chật chội nơi đất khách quê người. Tất cả cũng chỉ mong có tiền để cuộc sống bớt cơ cực hơn.
Vào thời điểm cận Tết, những tưởng công việc cũng sẽ nhiều hơn, nhưng thực tế, những người lao động nghèo vẫn phải mong ngóng việc từng ngày. Với nhiều người, Tết đã đến gần, nhưng với họ, không có việc đồng nghĩa với không có tiền và cái Tết vẫn sẽ còn ở xa lắm. Mọi người tận dụng tất cả những việc gì có thể làm được dịp cuối năm để kiếm tiền.
Mỗi khi thấy chán cơ quan, chán công việc thì tôi lại tìm cách động viên mình bằng cách nghĩ đến những người khác trong xã hội, những người còn khổ hơn tôi để mà cố gắng hơn. Dẫu thu nhập thấp, thưởng Tết thấp nhưng vẫn còn có một khoản tiền cố định hàng tháng để trang trải cho cuộc sống. Không đủ tiêu thì lại nghĩ cách làm thêm việc khác để tăng thu nhập. Tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác và lại dọn dẹp lòng mình để chuẩn bị đón Tết.
Tôi chọn cách dè sẻn chi tiêu, nghĩ cách làm sao để có một cái Tết đầy đủ nhưng vẫn tiết kiệm. Xin được chia sẻ kinh nghiệm của tôi để các bạn tham khảo:
Thứ nhất, lên ngân sách cụ thể cho các khoản chi tiêu như tiền ăn uống, sinh hoạt phí, tiền đi lại, tiền lì xì, tiền chúc Tết, tiền mua sắm thực phẩm ngày Tết,...
Thứ hai, lập kế hoạch mua sắm cụ thể. Sau khi đã phân chia ngân sách hợp lý, tiếp đó bạn hãy lên kế hoạch mua sắm sao cho cụ thể và chi tiết nhất.
Bạn hãy viết một danh sách gồm tất cả các thứ cần mua, dự trù kinh phí sẽ phải chi cho các khoản đó và lựa chọn địa điểm mua sắm các mặt hàng đó với giá ưu đãi nhất. Bạn có thể cân nhắc mua hàng hóa, quà, bánh, kẹo, mứt, rượu, chè... sớm hơn để có được mức giá tốt. Bên cạnh đó, việc săn khuyến mãi cũng có thể giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền không hề nhỏ.
Thứ ba, mua sắm đủ dùng, không mua tích trữ quá nhiều loại thực phẩm. Trên thực tế, chợ truyền thống và các siêu thị tiện lợi, từ mùng 2 đã mở cửa hoạt động lại bình thường. Vì thế việc trữ nhiều thực phẩm là không cần thiết. Hãy mua sắm thật kế hoạch, cần bao nhiêu, sắm bấy nhiêu, vừa ngon lại vừa tiết kiệm.
Tôi nghĩ rằng, thưởng Tết nơi nhiều, nơi ít, thậm chí một số nơi không có thưởng tùy thuộc hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm của doanh nghiệp, nhưng sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý người lao động. Do đó, để bảo đảm hài hòa quan hệ lao động và giữ chân lao động sau Tết, doanh nghiệp dù khó khăn đến mấy cũng cần có giải pháp lo thưởng Tết cho người lao động.
Đáp lại, người lao động cũng biết chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp nếu thưởng Tết năm nay thấp hơn năm trước và không như kỳ vọng. Trong bối cảnh hiện nay, người lao động và doanh nghiệp cùng cảm thông, vượt qua khó khăn để tiếp tục đồng hành, nắm bắt cơ hội trong năm mới.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có tinh thần lạc quan đón một cái Tết thật vui sau một năm vất vả, không còn phải chạnh lòng khi tiền thưởng Tết quá ít so với nhiều người khác hay chưa đến Tết đã hết tiền; không phải gồng mình, nặng trĩu vì gánh nặng chi tiêu ngày Tết. Bỏ qua những áp lực của một năm kinh tế buồn, chào đón năm 2024 vui tươi, đầy phấn khởi. Sau cơn mưa nhất định sẽ có cầu vồng. Tôi tin vậy.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.