Sáng 22/10, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Tờ trình do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước đó nêu 9 chính sách đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố này nhưng riêng nội dung lập khu thương mại tự do ở Hải Phòng không còn như ở các dự thảo trước đó.
Giải thích khi thảo luận tổ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có một số đề xuất bổ sung thêm cơ chế nhưng do không đủ thời gian nghiên cứu tiếp nên sẽ giữ tinh thần chung, thí điểm trong 5 năm, sau này có thể tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cơ chế chính sách cần thiết.
"Ví dụ với Hải Phòng cần thêm khu thương mại tự do, nếu sau khi nghiên cứu kỹ và được Bộ Chính trị cho phép thì bổ sung vào cơ chế chính sách sau", ông nói.
Hồi giữa tháng 10, Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển Hải Phòng, trong đó đề xuất xây dựng Khu thương mại tự do tại thành phố này. Đây là khu vực có ranh giới địa lý xác định, do Quốc hội quyết định thành lập; được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá và tổ chức thành các khu chức năng...
Tuy nhiên, sau khi thảo luận, Thường vụ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành phối hợp với TP Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng đề án thành lập Khu thương mại tự do. Chính phủ cần báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, sau đó trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nghị quyết này nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, tạo điều kiện để bứt phá nhanh, nhất là tỉnh thuộc trung tâm của các vùng. Nghị quyết đại hội XIII nêu rõ, sẽ ưu tiên cho liên kết và phát triển vùng, ưu tiên tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm. Do đó, các nghị quyết nhằm phát triển hết tiềm năng lợi thế của các tỉnh, để địa phương đóng góp nhiều hơn ngân sách và là đầu tàu lôi kéo các tỉnh xung quanh.
Hoàng Thùy - Viết Tuân