Chính phủ vừa trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển Hải Phòng, trong đó đề xuất xây dựng Khu thương mại tự do tại thành phố này. Đây là khu vực có ranh giới địa lý xác định, do Quốc hội quyết định thành lập; được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá và tổ chức thành các khu chức năng...
TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng đề xuất trên là cần thiết. "Khu thương mại tự do giúp đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ; rút ngắn thời gian và chi phí xâm nhập vào thị trường thế giới, làm đầu tàu phát triển cho cả khu vực", ông nói.
Theo ông Lược, Việt Nam bây giờ mới bắt tay vào xây dựng khu kinh tế tự do là chậm so với các nước trên thế giới. Theo thống kê của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), đến năm 2019, trên thế giới có hàng nghìn khu kinh tế tự do với các quy mô khác nhau tại 147 nước.
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore có thể xem là một quốc gia đô thị, cảng biển, khu thương mại mại tự do và trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. "Chúng ta muốn mở cửa với thế giới, nhưng địa lý Việt Nam mở trên toàn bộ quốc gia thì khó, nên cần phải có một khu vực mở cửa, và một trong những loại hình có thể áp dụng là khu thương mại tự do", ông Võ Đại Lược nói.
Ông Lược phân tích, Việt Nam có lợi thế về đường bờ biển dài trên 3.260 km, 50 cảng biển, trong đó có những cảng biển nước sâu hàng đầu thế giới như Cam Ranh, Vân Phong. Từ năm 1997, Trung ương đã xác định nghiên cứu xây dựng thí điểm một vài mô hình mới, trong đó có khu mậu dịch tự do ở những địa bàn ven biển đủ điều kiện. Nhưng phải đến năm 2002, Chu Lai - khu kinh tế mở đầu tiên mới được hình thành ở Quảng Nam.
Hiện nay Việt Nam có 18 khu kinh tế ven biển. Tuy nhiên, theo ông Lược, chưa đơn vị nào có sức cạnh tranh quốc tế vì chưa có thể chế hành chính và kinh tế vượt trội; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước nên còn hạn chế; nguồn nhân lực quản lý các khu kinh tế chưa đạt trình độ quốc tế; chưa có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia...
"Chúng ta chưa có một khu kinh tế tự do đúng nghĩa là dùng thể chế hành chính và kinh tế hiện đại, quốc tế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài", ông Lược nói.
TS Võ Đại Lược kiến nghị, nếu các cấp có thẩm quyền ủng hộ chủ trương lập khu thương mại tự do ở Hải Phòng, Chính phủ nên thuê các tập đoàn quy hoạch hàng đầu thế giới làm quy hoạch tổng thể việc sử dụng các tài nguyên ven biển Việt Nam, nghiên cứu, xem xét vị trí xây dựng khu thương mại tự do.
"Xây dựng ở đâu rất quan trọng. Khu thương mại tự do mà đưa lên tỉnh miền núi nào đó thì ai đến? Nó phải gần cảng, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách tốt", ông nói, cho rằng Việt Nam nên lập khu thương mại tự do ở cả Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu và TP HCM.
Tại đây, những cơ chế, chính sách đặc thù phải được áp dụng, không chỉ là thuế quan mà còn là cơ chế về hành chính, quản lý, kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế. Và điều kiện tiên quyết là phải chọn được người tài tham gia quản lý khu thương mại tự do.
Về ý kiến lo ngại vấn đề quốc phòng an ninh khi lập khu thương mại tự do ở Hải Phòng - thành phố cảng biển có vị trí chiến lược ở phía Bắc, TS Lược cho rằng Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của các nước đi trước. Nhiều nước trên thế giới đã đưa ra những pháp lệnh liên quan đến việc sử dụng đất đai ở khu kinh tế tự do với quy định nghiêm ngặt. Trong đó, có nước không cho phép doanh nhân nước ngoài sở hữu đất đai; có nước cho phép sở hữu nhưng với hạn mức cụ thể...
Ở góc độ tiếp cận thận trọng, đại biểu Lê Thanh Vân - Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng khu thương mại tự do là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam. Hệ thống pháp luật hiện hành mới chỉ quy định về mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, chưa có văn bản quy định về mô hình khu thương mại tự do.
"Việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới góc độ kinh tế còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội", ông nói.
Theo ông Vân, dự thảo đề xuất khu thương mại tự do sẽ được áp dụng các chính sách đặc biệt, đột phá, dự kiến bao gồm chính sách về đất đai, quy hoạch, tổ chức chính quyền, ưu đãi đầu tư, thuế... Đề xuất này gần giống với mô hình đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt đã được Chính phủ đã trình Quốc hội năm 2018, song chưa được thông qua. Mặt khác, khu thương mại tự do là mô hình đột phá trong chính sách mở cửa nền kinh tế, mang yếu tố cạnh tranh quốc tế rất cao. Do vậy, Chính phủ cần làm rõ được những thế mạnh bảo đảm tính cạnh tranh của Việt Nam với các khu thương mại trong khu vực và thế giới.
Theo ông Vân, mô hình khu thương mại tự do dù thành công ở một số nước, nhưng ở châu Á, Đông Nam Á có nhiều trường hợp không thành công. "Chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh những hạn chế tác động không thuận tới nền kinh tế", ông Vân nói.
Trước đó tại phiên làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 11/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ đồng ý với các ý kiến cho rằng việc xây dựng khu thương mại tự do ở Hải Phòng cần báo cáo Bộ Chính trị để có chủ trương về cơ chế, chính sách cụ thể. "Phạm vi, ranh giới khu thương mại tự do phải quy định rất chặt chẽ", ông nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu hàng loạt vấn đề như gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa..., nếu không quản lý tốt sẽ ảnh hưởng đến vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Vấn đề này thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo ông Thanh, hiện nay Hải Phòng có khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải thành lập từ năm 2008 với quy mô 22.540 ha, có khu thuế quan, phi thuế quan, thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 11 tỷ USD. "Nên đưa ngay một số cơ chế chính sách đặc biệt cho khu kinh tế này, còn chủ trương xây dựng khu thương mại tự do cần nghiên cứu thêm", ông Thanh nói.