Sáng 12/10, Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc để thông qua biểu mức thuế suất tài nguyên, trong đó có vàng. Theo quy định của Luật Thuế tài nguyên, khung thuế cho kim loại này từ 9-25%, mức thuế suất hiện nay áp dụng là 15%. Trong tờ trình trước đó, Chính phủ đề nghị nâng lên 22%.
Tuy nhiên, ý kiến này nhận được nhiều ý kiến phản đối từ Ủy ban Tài chính Ngân sách lẫn các thành viên trong Thường vụ Quốc hội. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp khai thác vàng như Công ty vàng Bồng Miêu, Phước Sơn, Tập đoàn Besra, UBND tỉnh Quảng Nam, các Đại sứ quán (Australia, Canada, Newzealand) cũng gửi đề nghị không điều chỉnh mức thuế suất đối với vàng.
Trong công hàm gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban tài chính Ngân sách và Bộ tài chính, đại sứ của 3 nước trên cho rằng việc tăng thuế không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khai thác vàng mà còn khiến môi trường đầu tư của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Sau khi tiếp thu các ý kiến trên, Chính phủ và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất đề xuất mức thuế suất mới là 17%, thay vì 22% để tránh gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Hơn nữa, thuế suất thuế tài nguyên đối với vàng vốn đã được điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Mức 17% theo các cơ quan này là để giúp doanh nghiệp khai thác vàng hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, tại phiên làm việc sáng nay, Thường vụ Quốc hội vẫn quyết định chưa chốt phương án nâng thuế suất với vàng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ Tài chính xin thêm ý kiến Thủ tướng, đặc biệt trước những kiến nghị Đại sứ quán Australia, New Zealand và Canada. Theo ông, cần thận trọng hơn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam để tránh ảnh hưởng các vấn đề đối ngoại cũng như những hệ quả không đáng có cho môi trường đầu tư của Việt Nam.
Trong công hàm gửi đi, 3 Đại sứ cho rằng, việc tăng thuế tài nguyên này không chỉ gây hậu quả trước mắt là nguồn thu của tỉnh, ngân sách sụt giảm mà còn gửi tín hiệu tiêu cực về môi trường kinh doanh kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Myanmar, Thái Lan.
Tại phiên làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thông tin thêm, ảnh hưởng về lợi nhuận đến các doanh nghiệp vàng không lớn, trong đó có doanh nghiệp tại Bồng Miêu, Quảng Nam. Còn với doanh nghiệp Phước Sơn, số liệu 6 tháng cho biết, số thu khoảng 22 tỷ, nếu điều chỉnh thêm 2% thuế suất chỉ tăng thêm 2-3 tỷ. "Như vậy, lãi thu nhập của họ vẫn đảm bảo khoảng 20,7 tỷ đồng. Lần điều chỉnh này, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ để không đơn vị nào bị lỗ, ảnh hưởng quá nhiều", đại diện Bộ Tài chính nói.
Ngoài vàng, một loạt các tài nguyên khác cũng được đề xuất tăng thuế như sắt tăng từ 10% lên 13%, titan tăng từ 11% lên 16%, vonfram, Antimoan tăng từ 10% lên 18%, đồng tăng từ 10% lên 13%, đất làm gạch tăng từ 7% lên 10%, cát tăng từ 10% lên 11%. Thuế suất của đá, sỏi cũng được đề nghị tăng từ 6% lên 7%.
Thanh Thanh Lan