Sau 1/1/2004, những cửa hàng không có bảng hiệu, không có hợp đồng đại lý sẽ bị đóng cửa. |
Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, lý do đề nghị trên là mức giá xăng dầu thế giới đang tăng cao. Bên cạnh đó, quy định mức thuế ổn định cho năm tiếp theo cũng không có nghĩa quá cứng nhắc. Khi giá thế giới tăng cao có thể sẽ điều chỉnh mức thuế bảo đảm cho thị trường tương đối ổn định. Do đó, có thể thời điểm này vẫn chưa áp dụng mức thuế cố định đối với các công ty xăng dầu trong cả năm 2004. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Việc điều chỉnh mức thuế nhập khẩu cần xem xét trong từng thời điểm cụ thể nhưng tránh điều chỉnh liên tục”.
Nhấn mạnh đến việc đảm bảo cho doanh nghiệp kinh doanh có lãi và Nhà nước không phải bù lỗ như nhiều năm qua, Bộ trưởng cho biết ngoài việc điều chỉnh thuế sẽ đề nghị phương án tạm lùi thời gian nộp thuế của doanh nghiệp xăng dầu.
Quy chế mới chủ yếu quy định các doanh nghiệp bán lẻ chỉ được kinh doanh dưới hình thức đại lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có vốn đảm bảo mức dự trữ xăng dầu tối thiểu 15 ngày và có cơ sở vật chất kỹ thuật đúng tiêu chuẩn quy định về an toàn môi trường, an toàn cho người lao động.
Nhu cầu xăng dầu năm 2004 khoảng 13 triệu m3, doanh nghiệp đăng ký và nhập nhiều hơn mức tối thiểu được quy định. Tại thời điểm này Việt Nam chưa mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài vào kinh doanh xăng dầu (chí ít là trong khoảng 10 năm nữa). Trong việc đàm phán gia nhập WTO, VN đang loại trừ ngành hàng xăng dầu. |
Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh rằng, điều đó sẽ giúp quản lý tốt hơn các cửa hàng kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và xăng dầu được bán đúng, đủ chất lượng cho người tiêu dùng. Trước đây có nhiều đầu mối nhưng không ràng buộc trách nhiệm. Lúc giá lên thì chỉ có một vài doanh nghiệp nhập về bán và chịu lỗ để rồi Nhà nước bù lỗ. Mà Nhà nước chịu lỗ tức là dân chịu. Vì vậy cơ chế mới này để buộc doanh nghiệp phải tham gia thị trường lúc giá lên cũng như xuống. Lãi cũng phải làm mà lỗ cũng phải làm, nguyên tắc là lấy lãi bù lỗ.
Sau ngày 1/1/2004, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không có hợp đồng đại lý, không có bảng hiệu của công ty đầu mối sẽ bị đóng cửa. Việt Nam hiện có 9 đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu và gần 5.000 cửa hàng bán lẻ.
Quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu được ban hành theo Quyết định 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 gồm 8 chương, 21 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2004. Điều 7, 8 và 9 chương III: Điều hành nhập khẩu xăng, dầu quy định rõ: Hàng năm, căn cứ cân đối cung cầu cho nền kinh tế quốc dân, Bộ Thương mại chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định nhu cầu định hướng về nhập khẩu xăng, dầu cho cả nước (theo cơ cấu sản phẩm) của năm tiếp theo và công bố để các doanh nghiệp biết nhằm chủ động trong kinh doanh. Trên cơ sở đó, Bộ Thương mại giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu cả năm cho từng doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu. Các doanh nghiệp tự quyết định việc nhập khẩu xăng, dầu các loại để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất nhưng không được nhập khẩu thấp hơn hạn mức tối thiểu được giao (kể cả số lượng và cơ cấu). Chương IV: Cơ chế quản lý giá: Điều 12: Doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của mình, nhà nước không bù lỗ. Điều 13: Để đảm bảo nhu cầu xăng, dầu cho sản xuất, tiêu dùng xã hội và bình ổn thị trường khi giá xăng, dầu thế giới có biến động lớn, Thủ tướng Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế-hành chính để can thiệp vào thị trường xăng, dầu. Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các giải pháp cụ thể. |
Bùi Đương