Tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam cho biết táo còn gọi là táo ta, táo chua. Tên khoa học là Ziziphus mauritiana Lam, thuộc họ táo ta Rhamnaceae.
Đây là loại cây nhỡ, cành thòng xuống lúc còn non có lông, sau nhẵn màu xám đen, có gai. Lá hình bầu dục hay trái xoan, mặt trên màu lục đậm và nhẵn, mặt dưới có lông dày mềm màu hung, mép khía răng, 3 gân gốc. Hoa thành xim ở nách lá, cánh hoa màu trắng nhạt, có móng hẹp. Quả hạch hình cầu có vỏ nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín hơi vàng, vỏ quả giữa vị ngọt, hơi chua. Quả có một hạch cứng sù sì, trong chứa một hạt dẹt (táo nhân).
Loài thực vật này có nguồn gốc từ vùng cổ nhiệt đới (Phi châu). Cây mọc nhanh, tái sinh khỏe, được trồng từ vùng thấp đến cao. Ra hoa vào tháng 6 đến 12, có quả từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau. Thường táo ra hoa kết quả hầu như quanh năm. Cây này được tìm thấy phổ biến ở Việt Nam và các xứ nóng ở châu Phi, Ả Rập, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác.
Đông y dùng vỏ thân táo để làm thuốc. Thu hái vào mùa thu, loại bỏ vỏ ngoài, phơi khô. Cây có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, tác dụng tiêu viêm, sinh cơ, dùng để trị bỏng cháy. Cũng có thể ngâm với rượu từ 50% đến 60%, dùng bôi ngoài.
Phân tích thành phần dược lý cho thấy vỏ cây táo chứa mauritin A, mauritin B, amphiline D và frangufoline, ngoài ra còn có axit betulinic. Thuốc sắc lá và thân táo ta có tác dụng hưng phấn rõ rệt đối với tử cung chuột lớn nuôi tách bày, có thể làm giãn mạch máu ở chuột lớn trong thí nghiệm dẫn lưu chi sau. Có thể dùng thuốc này để gây mê và hạ huyết áp cho chó bằng đường tiêm tĩnh mạch.
Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc từ cây táo như sau:
Trị bỏng lửa, bỏng nước sôi
Vỏ cây táo ngâm vào rượu từ 50 đến 60 độ cồn rồi chiếc lấy dịch bôi vào chỗ tổn thương, ngày 4 lần. Sau khi lớp bôi trước khô thì bôi tiếp. Từ ngày thứ hai trở đi chỉ bôi mỗi ngày một lần. Không cần băng bó vết bỏng (theo Trung dược đại từ điển).
Bằng huyết, lậu huyết (rong huyết)
Lấy vỏ cây táo và hạt rang vàng hạ thổ. Đổ nước sắc thật đặc, uống 3 lần (theo Tuyển tập Kinh nghiệm chữa bệnh bằng Đông y - Hội Đông y Nghệ Tĩnh).