Nghị quyết của HĐND TP HCM về Chương trình phát triển nhà ở đề cập mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 35.000 căn nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, tiến độ thực hiện mục tiêu này khá chậm dù đến nay đã đi được gần nửa quãng đường.
Cụ thể, từ năm 2021 hết quý I/2023, TP HCM chỉ mới hoàn thành một dự án nhà ở xã hội quy mô 260 căn. 7 dự án còn lại đang triển khai khoảng hơn 5.100 căn. Với kết quả này, hơn 2,5 năm còn lại của nhiệm kỳ 2021-2025, thành phố phải phát triển 29.600 căn hộ nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân - một nhiệm vụ đầy thách thức.
Sở Xây dựng TP HCM lo ngại nếu không quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú công nhân, thành phố sẽ không có dự án đủ điều kiện để hấp thụ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo nghị quyết 33 về tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản.
Nói với VnExpress, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành nhìn nhận việc tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng phụ thuộc rất lớn vào tiến độ giải quyết pháp lý cho các dự án trên địa bàn TP HCM nhanh hay chậm.
Là doanh nghiệp có dự án nhà ở xã hội còn vướng thủ tục đang chờ thành phố giải quyết nhiều năm qua, ông Nghĩa lo ngại các dự án mới khó có cơ hội tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng kịp trong tháng 6 này. Theo ông Nghĩa, thực tiễn cho thấy, để duyệt xong pháp lý các dự án nhà ở xã hội với tốc độ nhanh nhất phải mất 12 tháng, tức phải đến năm 2024 mới có dự án nhà ở xã hội đạt chuẩn được giải ngân theo gói này và bước vào quá trình xây dựng.
"Doanh nghiệp cần phải được tiếp cận vay trước, sau đó thúc đẩy tiến độ dự án, từng bước tạo ra thành phẩm, mở bán rồi mới đến người mua nhà xã hội được giải ngân. Với diễn biến hiện nay rất khó đoán bao giờ doanh nghiệp xây nhà xã hội lẫn người dân TP HCM vay được gói 120.000 tỷ đồng ", ông Nghĩa nói.
Theo ông, giải pháp tích cực nhất hiện nay là cơ quan quản lý Nhà nước và cả ngân hàng xem xét cho phép các doanh nghiệp làm nhà xã hội đã vay thương mại trước đó được chuyển đổi sang gói 120.000 tỷ đồng. Điều này giúp lưu thông dòng tiền vào đúng phân khúc nhà ở người dân có nhu cầu thật lớn nhất thị trường hiện nay.
Trong những tháng tới, để tăng tốc giải ngân gói tín dụng này, ông Nghĩa đề xuất, cơ quan quản lý Nhà nước phải giải quyết nhanh thủ tục hành chính và sớm duyệt cấp phép cho dự án nhà ở xã hội.
Cùng quan điểm, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Công ty R&D DKRA Group (công ty chuyên dịch vụ bất động sản) cũng cho rằng nguy cơ gói 120.000 tỷ đồng bị ế nếu thủ tục cấp phép cho các dự án nhà ở xã hội diễn tiến chậm, để vuột mất thời gian còn hiệu lực giải ngân.
Theo ông Thắng, hiện gói tín dụng này phù hợp với doanh nghiệp hơn là người dân vì với mức lãi suất 8,7% mỗi năm kéo dài trong 3 năm có thể giúp doanh nghiệp chuyển sang phân khúc nhà ở xã hội được hưởng vốn rẻ. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn phải chờ pháp lý của dự án mới đủ điều kiện tiếp cận vốn. Trong khi đó, lãi suất cho người mua nhà ở xã hội vay mức 8,2% một năm kéo dài trong 5 năm vẫn còn cao và quá ngắn hạn, có thể khiến người dân băn khoăn, do dự.
"Do doanh nghiệp và người dân đều vướng mắc thủ tục và tâm lý còn e ngại, gói tín dụng này trở nên xa tầm với đối với các khách hàng mục tiêu, khó đi vào thực tiễn", ông Thắng nhận định.
Báo cáo Chính phủ vài ngày trước, Bộ Xây dựng cho biết, dù đã triển khai được hai tháng nhưng chưa có dự án nào để cho vay, bởi hai lý do. Thứ nhất là các địa phương đang trong quá trình tổng hợp, công bố dự án nằm trong nhóm đối tượng cho vay. Thứ hai là các dự án còn lại hầu hết mới đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư. Bộ cũng cho hay đến nay chưa nhận được phản ánh từ chủ đầu tư về khó khăn liên quan thủ tục, hồ sơ vay vốn.
Vũ Lê