"Tôi hy vọng sẽ tiếp tục công việc của mình và khẳng định sự vô tội của tôi", AFP dẫn lời Assange tuyên bố trên bậc thềm tòa án ở London trước sự chào đón của báo chí.
Assange và luật sư của ông quả quyết nỗ lực dẫn độ ông từ Anh sang Thụy Điển vì tội danh cưỡng hiếp mang động cơ chính trị.
Julian Assange giơ tài liệu liên quan đến vụ án của ông trước tòa án London hôm qua sau khi được tại ngoại nhờ bảo lãnh. Ảnh: AFP. |
Đứng trước rừng camera, Assange nói rằng ông cảm ơn tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới, những người tin tưởng và ủng hộ cộng sự của ông trong khi ông vắng mặt.
Người đàn ông Australia 39 tuổi này cho rằng việc ông được phép tại ngoại sau 9 ngày tạm giam cho thấy hệ thống luật pháp của Anh đã chứng tỏ rằng "nếu công lý không phải luôn hiện hữu thì ít nhất nó vẫn chưa chết".
Assange sợ rằng Mỹ đang tìm cách bắt ông. Assange nói ông nghe tin đồn Washington đã buộc tội ông làm gián điệp. "Chúng tôi cũng nghe từ luật sư của tôi ở Mỹ rằng cáo buộc gián điệp đó là do một ủy ban điều tra bí mật của Mỹ đưa ra".
Cựu hacker này lo ngại rằng thủ tục dẫn độ ông sang Thụy Điển thực chất là để mở đường dẫn độ ông sang Mỹ. Tuy nhiên, các công tố viên Thụy Điển nói rằng cáo buộc cưỡng dâm của Assange không liên quan gì đến Wikileaks.
Sau khi được tòa cho bảo lãnh tại ngoại, Assange chuyển tới một ngôi nhà nghỉ 10 phòng ở vùng nông thôn Norfolk. Ngôi nhà sang trọng này thuộc sở hữu của Vaughan Smith, một người ủng hộ trang Wikileaks từng có thời gian phục vụ trong quân đội Anh trước khi sáng lập ra câu lạc bộ báo chí Frontline tại London.
Assange phải tuân thủ các quy định tại ngoại hầu tra do toà án quy định. Ông phải đeo một thiết bị giám sát điệt tử, thường xuyên phải báo cáo với cảnh sát và chịu chế độ theo dõi chặt chẽ. Những người ủng hộ ông cũng đã đóng góp khoản tiền bảo lãnh với toà tương đương 374.000 USD. Phiên tòa xem xét lệnh dẫn độ Assange dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 2.
Ngọc Sơn