Sự việc còn rối rắm hơn, khi chúng tôi mua đồ và thanh toán xong. Vừa bước đi vài bước, lại bị bảo vệ kiểm tra túi đồ của mình xem có khớp với hóa đơn không thì mới được đi về. Lúc đó, chúng tôi đã phản đối, vì cho rằng làm như thế vừa mất thời gian, vừa thiếu tôn trọng khách hàng. Anh bảo vệ chỉ nói đó là quy định mà không giải thích tại sao.
Phải sau khi đã về nhà, thảo luận một khúc, chúng tôi mới hiểu ra: Bảo vệ làm thế là để tránh việc thu ngân thông đồng với khách hàng mang đồ ra khỏi siêu thị. Chúng tôi hơi ngốc nghếch sau nhiều năm ở nước ngoài, không hiểu ra quy trình này. Nó quá xa lạ và gây sửng sốt.
Bài học tôi rút ra sau sự kiện đó, là niềm tin trong xã hội đang thiếu hụt trầm trọng.
Sau này, mỗi khi phải làm gì đó liên quan đến giấy tờ, như xin học cho con chẳng hạn, tôi để ý thấy trên hồ sơ của mình lúc nào cũng chi chít dấu đỏ. Những giấy tờ tôi dùng trước đây cũng thế, bao giờ cũng phải có ít nhất một dấu đỏ đóng trên đó thì mới đáng tin. Còn không có dấu đỏ là không có giá trị.
Tôi bắt đầu đặt ra câu hỏi, vì sao hồ sơ giấy tờ hành chính ở nhà bao giờ cũng đỏ rực những con dấu? Vì quy trình nó thế, hay vì người ta không tin nhau, phải có con dấu thì mới đáng tin? Không có dấu đỏ, thì lời nói của anh, chữ ký của anh, dù rành rành ra đó, cũng không có chút giá trị nào cả.
Nhưng oái ăm ở chỗ, quy trình chặt chẽ thế, nhiều dấu đỏ thế, mà chưa ở đâu tôi thấy giấy tờ văn bằng giả nhiều như ở đây. Người ta có thể rao bán những thứ giấy tờ văn bằng giả công khai trên mạng, trong các tờ rơi dán trên tường, có cả điện thoại và tên người liên hệ đàng hoàng.
Ám ảnh về con dấu mạnh mẽ đến mức luật doanh nghiệp cho phép bỏ con dấu khi giao dịch mà trên thực tế, sau gần hai năm triển khai, tôi chưa thấy đơn vị nào dám bỏ con dấu. Các văn bản doanh nghiệp trình lên vẫn được yêu cầu phải đóng dấu thì mới có hiệu lực.
Điều này trái ngược hoàn toàn với những giấy tờ hành chính tôi đã sử dụng khi còn ở nước ngoài, nơi tôi hiếm khi nhìn thấy những con dấu. Tất cả chỉ là một chữ ký tay. Dù đó là giấy tờ quan trọng đến mức nào đi chăng nữa, chỉ cần người hữu trách ký vào là đủ.
Trong các giao dịch thông thường tôi còn không cần phải ký. Chỉ cần in văn bản ra và gửi đi là xong. Nhiều trường hợp còn không cần văn bản, gọi điện là đủ. Sau này tôi hiểu rằng đó là cơ chế hậu kiểm. Điều này trái ngược hoàn toàn với cách tiền kiểm kỹ càng quá đáng, đến mức không tin, không quản được thì cấm, mà tất cả chúng ta đều quen thuộc.
Ở những nơi mà tôi đã đi qua, những nơi người ta ít đóng dấu đỏ lên các văn bản như thế, thì đều là những đất nước giàu có hơn đất nước của tôi.
Tìm hiểu thêm thì tôi hiểu ra rằng, ở những nơi đó, niềm tin đang được sử dụng như một thứ vốn xã hội. Khi người ta tin nhau thì người ta không mất thời gian công sức để kiểm tra và đề phòng nhau, vì thế mà người ta tiết kiệm được nguồn lực, và người hợp tác với nhau hiệu quả hơn.
Điều này giúp cho năng suất lao động của cả xã hội tăng lên. Niềm tin vì thế đang hoạt động như một thứ vốn đặc biệt. Nhờ có loại vốn này mà xã hội vận hành hiệu quả hơn. Còn ở ta, có cả một bộ máy hùng hậu ăn lương để chỉ làm một việc là kiểm tra lẫn nhau. Và cũng một bộ máy hùng hậu khác, tìm cách qua mặt nhau. Vì thế mà mất thời gian, vì thế mà kém hiệu quả.
Làm sao để tăng thứ vốn xã hội này? Tất nhiên, là bất cứ việc gì giúp tăng niềm tin. Trong đó, quan trọng nhất là niềm tin của nhân dân và chính quyền, niềm tin của người dân với tương lai của đất nước họ, và niềm tin giữa người với người trong xã hội trong mọi sinh hoạt hàng ngày.
Để gia tăng niềm tin đó thì những người đang cầm giữ kỷ cương của đất nước, những quan chức, phải gương mẫu trước hết. Nếu người trên không khả tín thì sao có thể đòi hỏi người dưới đáng tin?
Hẳn các doanh nhân đã hiểu rất rõ giá trị của điều này, khi họ đặt chữ Tín lên trên hết. Những doanh nhân biết giữ chữ Tín luôn coi lời nói chính là chữ ký của mình. Chỉ cần nói ra và xác nhận với nhau là đủ, không cần đến việc phải ký kết, lại càng không cần đến việc phải đóng dấu.
Mà ngẫm ra, câu chuyện về vai trò của niềm tin và chữ Tín không chỉ đúng với giới doanh nhân. Trong Đông Tây kim cổ, các chính trị gia thường bị dân chúng ghét, chủ yếu là vì họ không giữ được chữ Tín, nói một đằng làm một nẻo, chứ không phải vì họ kém tài năng hay thiếu hấp dẫn. Như thế, niềm tin là vốn liếng của xã hội. Chữ Tín vốn liếng của cá nhân. Xã hội có niềm tin thì sẽ phát triển.
Nhưng cho đến lúc này, nếu bạn đã đi làm hợp đồng mua bán nhà, vì không có con dấu cá nhân, ngay tại phòng công chứng, bạn vẫn sẽ phải... điểm chỉ vào bên cạnh chính chữ ký của mình. Một thái độ cực đoan về việc đảm bảo niềm tin.
Và thậm chí đã đến mức như thế, dấu điểm chỉ nhiều lúc cũng không đủ để người ta tin nhau.
Giáp Văn Dương