Nhiều lần tôi đi dự tiệc cưới, chứng kiến cảnh những bàn tiệc ngập tràn thức ăn thừa, từ những món khai vị đồ nguội, lẩu đến cả những món chính dọn gần cuối. Thậm chí, những đĩa trái cây tráng miệng cũng bị bỏ mứa.
Chủ tiệc nhiều khi bất lực chia sẻ: "Đặt ít món, món đơn giản thì bị chê mà đặt nhiều lại dư thừa phí phạm".
Còn người quen của tôi rút kinh nghiệm đám cưới đứa con đầu, tổ chức đám cưới cho đứa con thứ hai xong nhìn thức ăn thừa rồi thở dài: "Đặt ít món, món nhẹ nhàng thì sợ bị nói keo kiệt, còn đặt nhiều thì có ai ăn hết đâu".
Thế mới thấy, việc tổ chức tiệc tùng không chỉ xoay quanh chuyện ẩm thực mà còn liên quan đến thể diện. Cái "sợ mang tiếng" đã đẩy chúng ta đến chỗ bày biện ê hề, để rồi cuối cùng lượng tiêu thụ chẳng bao nhiêu, phần còn lại đành vứt bỏ.
Mà xét cho cùng, đó không đơn thuần là chuyện dư thừa thực phẩm, mà còn là sự lãng phí, thiếu trân trọng công sức của những người lao động làm ra nó.
Cái danh đôi khi khiến người ta phải làm quá vì sợ bị đánh giá. Nhưng sao ta không thay đổi quan niệm, rằng chỉ cần đủ đầy mà trang trọng.
Ăn uống có điều độ không chỉ thể hiện phẩm chất của từng cá nhân mà còn là thước đo văn minh của một cộng đồng. Những hình ảnh bàn tiệc đầy ắp đồ ăn thừa vẫn có lẽ vẫn sẽ tiếp diễn, vì sao?
Kiến Quyết