Con số 5 triệu doanh nghiệp đã được các đại biểu nhắc đi nhắc lại tại buổi hội thảo "Động lực phát triển kinh tế tư nhân" diễn ra ngày 3/10, giống như một "cây đũa thần” giúp kinh tế Việt Nam vươn lên trong thời đại hội nhập.
Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định chiến tranh đã lùi về xa và giờ đây là thời điểm phải để kinh tế tư nhân trỗi dậy, trở thành trụ cột và đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế không đi chệch đường ray.
Vị Chủ tịch VCCI kể, ông vừa có chuyến đi sang New York (Mỹ), điều khiến ông bất ngờ nhất đó chính là cả xã hội đang dành sự ưu tiên nhất cho kinh doanh bởi kinh doanh đang tạo ra sự phồn thịnh của nước Mỹ. Tại thành phố này, có những lối đi, nơi đỗ xe dành cho khu vực xe thương mại. Vào giờ cao điểm, xe sản xuất kinh doanh được ưu tiên lưu thông nhất. Vì vậy, New York - nơi mà nền kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ có tổng GDP lên tới hơn 1.000 tỷ USD trong khi so với Cuba - nơi kinh tế tư nhân không phát triển chỉ có tổng GDP đạt 70 tỷ USD.
"Tôi vẫn thường nghe nhiều người than làm visa đi Mỹ khó lắm, nhưng tôi biết nếu muốn làm công dân Hawaii cần phải tạo ra việc làm cho 20-15 người tại hòn đảo này. Đối với họ, ai tạo ra việc làm, tạo ra thu nhập cho người dân thì đó chính là ân nhân. Ở Mỹ trung bình cứ 10-15 người dân lại có một doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc trải lòng.
Nhìn vào thực tế Việt Nam, ông Lộc khẳng định đã đến thời phát động toàn dân làm kinh tế, phải phát triển kinh tế tư nhân, phải lấy kinh tế tư nhân làm động lực. Muốn sánh vai với các cường quốc năm châu Việt Nam phải có 5 triệu doanh nghiệp trong tương lai, gấp 10 lần mức 500.000 doanh nghiệp hiện tại. Muốn làm được điều đó phải thay đổi quan niệm Nhà nước-doanh nghiệp, công chức với doanh nhân. Doanh nhân là người tạo ra hàng chục triệu việc làm cho người dân Việt Nam, vì vậy họ cần được bảo vệ, tôn vinh, được ca ngợi giống như những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.
Ông Lộc dẫn chứng, nếu một doanh nhân Việt tạo ra 100 việc làm phải được cấp xã/phường khen ngợi; nếu tạo ra được 1.000 việc làm, cấp quận/huyện phải tri ân, khen tặng. Một doanh nhân tạo ra một vạn việc làm, tạo thu nhập nuôi sống cả vạn gia đình thì phải phong anh hùng, tặng huân chương cho họ. Ai tạo ra việc làm thì người đó là anh hùng, chiến sĩ. Đó mới là tư duy của kinh tế tư nhân thời hội nhập. Trong thời đại hội nhập, Việt Nam phải lựa chọn được các doanh nghiệp tư nhân có năng lực, từ đó hỗ trợ để họ có thể vươn lên thành trụ cột nền kinh tế. Sức mạnh thực sự của nền kinh tế phải được xây đắp bởi đội ngũ doanh nhân trong nước.
Tại hội thảo, phần đông các diễn giả và doanh nghiệp trẻ đều ủng hộ việc phát động cuộc cách mạng khởi nghiệp với mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sau đó nâng dần lên 5 triệu doanh nghiệp. Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á cho hay, việc nói đến 2 triệu hay 5 triệu doanh nghiệp là rất tốt, nhưng vấn đề đặt ra là trong từng ấy doanh nghiệp, Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp lọt vào top của thế giới, của khu vực. Vị chủ tịch này nhấn mạnh phát triển số lượng phải chú trọng tới chất lượng doanh nghiệp. Muốn làm được điều đó thì chính sách đưa ra phải minh bạch, thông thoáng và hỗ trợ tối ưu cho doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Kinh tế quản lý Trung ương (CIEM) nhận định, về lý thuyết một nền kinh tế không thể phát triển nếu kinh tế tư nhân không phải là đầu tàu cho nền kinh tế đó. Thế nhưng vẫn còn nhiều rào cản trên con đường phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Cụ thể, ông khẳng định thể chế, chính sách hiện tại của Việt Nam đang tạo bấp bênh, rủi ro lớn, chi phí tuân thủ cực cao cho doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh đó khiến doanh nhân bình thường không thể trụ vững hay tính toán làm ăn lâu dài.
Ông Cung lấy ví dụ hình ảnh một chiếc cột điện chằng chịt dây xung quanh để đặc tả về hệ thống luật lệ tại Việt Nam. Ông cho biết riêng Luật Giao thông có 13 nghị định, 67 thông tư, 800 trang hướng dẫn. Có những điều luật khi vào cuộc sống không còn là luật nữa, có thể sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng không khác gì mớ dây điện. Vì vậy doanh nhân không biết tuân thủ thế nào, làm đúng theo văn bản này lại vi phạm văn bản khác.
"Doanh nghiệp hội nhập như đang đi trên cầu khỉ. Đó là nền tảng kinh tế thị trường của Việt Nam. Đi chân chưa thoải mái, trên vai đè nặng thuế, phí, phong bì rồi đủ thứ. Thi thoảng có ông lấy gậy chọc. Ta cố gắng đi từng bước, chậm rãi vậy làm sao tiến cùng thế giới. Nếu không có thể chế thị trường đầy đủ, bao dung, thì đầu tàu kinh tế tư nhân mãi chỉ là khẩu hiệu thôi”, TS Cung nêu và khẳng định thể chế, luật lệ không tự thay đổi hoàn thiện mà phải có sự tác động của những người đang sử dụng và chịu tác động. Vì vậy, các doanh nghiệp, hiệp hội, cộng đồng doanh nhân phải liên kết lại để chỉ ra những điểm chưa hoàn thiện, những điểm gây khó dễ của hệ thống luật lệ, từ đó lên tiếng để Nhà nước tự hoàn thiện, sửa đổi các luật này sao cho hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp phát triển.
Nói về những rào cản của khu vực kinh tế tư nhân, vị Chủ tịch VCCI đã kể về chuyến đi làm việc với doanh nghiệp Thanh Hoá. Ở một địa phương, có Chủ tịch xã mới nhậm chức, đã mời 8 doanh nghiệp đến trụ sở chiêu đãi nhân ngày doanh nhân và nói rõ không phải trả tiền. Tuy nhiên, đã có tới 7 doanh nghiệp chuẩn bị phong bì trước khi tới buổi tiệc chiêu đãi này. Ông Lộc cho rằng, hằn sâu trong tư tưởng của doanh nhân đó là cứ đến chính quyền là phải mang phong bì. Vấn đề đặt ra là làm sao để doanh nhân khi đến chính quyền được tôn trọng và quên đi phong bì.
Lắng nghe ý kiến của doanh nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc khẳng định trong quá trình lập pháp sau này Quốc hội rất muốn nhận được ý kiến đóng góp của các cộng đồng doanh nhân, đặc biệt là các doanh nhân trẻ để các luật khi ban hành sẽ bám sát thực tiễn và hỗ trợ tốt nhất cho phía doanh nghiệp.
Bạch Dương