Tại tọa đàm về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EVFTA và vai trò của truyền thông sáng 1/7, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện hiệp định đã kết thúc đàm phán 5 năm nhưng sự quan tâm của doanh nghiệp còn quá ít.
Theo ông, số lượng các câu hỏi gửi về Bộ liên quan EVFTA khá hạn chế, thậm chí cổng thông tin điện tử giải đáp thông tin Hiệp định do Bộ mở ra để phục vụ doanh nghiệp nhưng không nhận được câu hỏi thắc mắc nào.
"Trước những con số đáng buồn này, một phần là trách nhiệm của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, chúng tôi mong các doanh nghiệp cần tích cực nghiên cứu hiệp định, đừng để người nước ngoài nắm bắt cơ hội được mở ra", Bộ trưởng nói.
Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, dịch bệnh hoành hành, EVFTA khi đưa vào thực thi sẽ là cơ hội mới kỳ vọng giúp doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 500 triệu dân, GDP bình quân đầu người khoảng 35.000 USD, với mức thuế 0%, trong đó 85% dòng thuế về 0% ngay khi có hiệu lực.
Vì đây là một cơ hội lớn nên Bộ Công Thương đang quyết liệt xây dựng chương trình hành động và trình Chính phủ thông qua để hướng dẫn, phối hợp với doanh nghiệp cùng các bộ ban ngành liên quan một cách nhịp nhàng.
Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian tới sẽ kết hợp với nhiều bộ ngành để tổ chức các hội nghị phổ biến Hiệp định EVFTA cho doanh nghiệp, lãnh đạo và người dân. Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị các bộ ngành liên quan giảm bớt thủ tục hành chính để doanh nghiệp tận dụng được cơ hội tốt hơn từ hiệp định này.
Trước đó, trong buổi làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, chính thức khai trương hệ thống cấp C/O điện tử thực thi Hiệp định EVFTA cho doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tổ chức giám sát Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quy trình hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân. Ngoài ra, hai cơ quan sẽ lập đoàn công tác xử lý nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các bước để xuất khẩu vào EU nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA.
Hiện EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 của thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Trong khi đó,Việt Nam hiện mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của khu vực này.
Khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế (70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Sau 7 năm, 99,2% số dòng thuế (99,7% kim ngạch xuất khẩu) sẽ được xóa bỏ thuế. Với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu 0%.
Hồng Châu