Tại phiên họp về tình hình đầu tư công trên địa bàn của Thường trực HĐND thành phố sáng 24/8, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nhìn nhận trách nhiệm việc giải ngân chậm vốn đầu tư công trước hết là của UBND và Chủ tịch UBND thành phố, tiếp đó là sở ngành.
"Đại biểu đặt vấn đề trách nhiệm, năng lực điều hành của Chủ tịch UBND thế nào. Thưa, chúng tôi nhận thức rõ vai trò của mình. Thời gian tôi dành cho việc chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn rất nhiều", ông Mãi nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng thừa nhận tình hình chưa có nhiều chuyển biến. Nguyên nhân, theo ông do có những vấn đề phức tạp, tồn tại lâu, cần thời gian để tạo sự thay đổi. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề thành phố đã kết luận, nhưng sở, ngành, địa phương còn ngại, chưa triển khai.
Theo ông Mãi, Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị thường trực trong quản lý đầu tư công nên cũng có trách nhiệm. Hàng tháng, thành phố đều họp giao ban, kiểm điểm, chỉ ra vấn đề của từng người, từng cơ quan, nhắc nhở bằng văn bản. "Cuối năm, dựa trên kết quả giải ngân để đánh giá từng cá nhân, cơ quan, kể cả trách nhiệm của tôi với tư cách là Chủ tịch UBND thành phố", ông nói.
Nhóm đơn vị tiếp theo được lãnh đạo UBND thành phố điểm danh là các chủ đầu tư bởi "đây là nơi chịu trách nhiệm chính đối với các dự án". Cuối cùng, theo ông, quận huyện là nơi sử dụng dự án, nhưng nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức nên việc giải phóng mặt bằng chưa tốt.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn đầu tư công của thành phố là 672.000 tỷ đồng, song chỉ được Thủ tướng duyệt 142.000 tỷ đồng (21%). Do đó, thành phố đang đề xuất tăng thêm 118.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tỷ lệ giải ngân như hiện nay khó thuyết phục Trung ương đồng ý.
Để chuẩn bị kế hoạch vốn năm 2023, ông Mãi cho biết thành phố sẽ phân tích kỹ, chấn chỉnh và có giải pháp cụ thể để thuyết phục Trung ương. Trong đó, thành phố đặc biệt chú trọng giải pháp huy động nguồn lực ngoài ngân sách, thông qua đẩy mạnh hợp tác công - tư để làm các công trình giao thông, chỉnh trang đô thị như rạch Xuyên Tâm, cao tốc TP HCM - Mộc Bài...
"Ta không chỉ tiếp cận ở khuôn khổ dự án mà là kinh tế dự án, tức thông qua công cụ quy hoạch nhằm khai thác, phát huy quỹ đất, tạo nguồn thu cho ngân sách", ông Mãi nói.
Trước đó, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá nhiều công trình trọng điểm giải ngân chậm; bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, ảnh hưởng tiến độ thi công; tình trạng dự án bị đội vốn chưa được khắc phục; một số dự án PPP (hợp tác công - tư) dở dang, các vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm. Bà đề nghị phải làm rõ nguyên nhân vì sao còn hạn chế, đi kèm là trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan.
Đại biểu Nguyễn Văn Phước đề nghị xác định rõ vai trò điều hành, trách nhiệm của lãnh đạo thành phố với các dự án cũng như trách nhiệm giám sát của các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc. "Cử tri không cần giải trình khó khăn do vướng mắc, thông tư, mà cần biết dự án đó sẽ tiếp tục triển khai thế nào, nguồn vốn, tiến độ ra sao, bao giờ hoàn thành", ông nói.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Hồng Thanh đánh giá giải ngân chậm ngoài nguyên nhân khách quan, còn do năng lực của chủ đầu tư, chủ dự án. Do đó, ông đề nghị các đơn vị cần nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi cách điều hành, bởi đang có sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giữa các cơ quan chuyên môn.
Thu Hằng