- Theo thông báo, một tuần qua hàng chục chuyến bay Trung Quốc xâm phạm vùng kiểm soát của Việt Nam, mức độ xâm phạm cụ thể thế nào thưa ông?
- Vùng thông báo bay do Việt Nam kiểm soát (FIR) gồm 2 phần. Một là vùng trời trên lãnh thổ của mình, hai là vùng trời trên công hải quốc tế, nhưng được Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) giao cho Việt Nam đảm trách. Thời gian qua, chúng tôi ghi nhận nhiều máy bay lạ hoạt động trên khu vực biển Đông, xâm phạm vào vùng FIR do Việt Nam kiểm soát.
Những máy bay này không phải tàu bay dân dụng, bắt đầu hoạt động trên vùng biển Đông từ 1/1/2016 đến nay và đều bay từ khu vực đảo Hải Nam xuống phía nam quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lúc chúng bay thấp, lúc bay cao, có lúc bay dưới mực bay tối thiểu, có lúc cắt ngang qua mực bay của hàng không dân dụng.
Ông Đinh Việt Thắng: "Trung Quốc là thành viên của ICAO nên phải tuân theo các nguyên tắc chung để đảm bảo an toàn hàng không". Ảnh: Xuân Hoa |
- Các máy bay Trung Quốc đã vi phạm quy định của ICAO như thế nào?
- Theo quy định của ICAO, tàu bay hoạt động ngoài mục đích dân dụng thì phải gửi kế hoạch bay đến cơ quan điều hành bay. Trong quá trình bay, phải bật mã code nhận dạng để cơ quan điều hành bay biết được thông tin liên quan đến chuyến bay (như tốc độ, độ cao…) để tổ chức điều hành. Cùng với đó, máy bay phải giữ liên lạc 2 chiều với cơ quan điều hành bay.
Tuy nhiên, các máy bay Trung Quốc không có kế hoạch bay gửi cơ quan điều hành bay. Trong quá trình bay đã bật, tắt mã code nhận dạng thất thường. Trong khi bay, họ không giữ liên lạc với cơ quan điều hành. Do đó, các máy bay này hoạt động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hàng không dân dụng trên biển Đông.
- Tổng công ty Quản lý bay đã có biện pháp gì để đảm bảo an toàn bay?
- Là cơ quan điều hành bay, chúng tôi đã báo cáo Cục Hàng không và cơ quan này đã gửi thư cho ICAO về vấn đề này. Ngoài ra, chúng tôi phải theo dõi, điều hành bay sát sao hơn để tránh sự cố có thể xảy ra; phải tính toán giải pháp cho các máy bay đang bay cùng mực bay với tàu bay Trung Quốc tránh hoặc thay đổi độ cao để tránh va chạm.
Từ trước đến nay chúng tôi chưa từng phải giải quyết các trường hợp như thế. Để đối phó với máy bay Trung Quốc, anh em kiểm soát viên không lưu đã làm việc căng thẳng hơn... Chúng tôi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hãng hàng không bay vào khu vực FIR Hồ Chí Minh.
- Theo ông, hướng xử lý của ICAO sẽ như thế nào về vấn đề này?
- Là tổ chức quốc tế nên ICAO không áp dụng phạt thành viên mà sẽ có những khuyến cáo đến Trung Quốc, đề nghị áp dụng các quy định trên nguyên tắc đảm bảo an toàn. Nếu Trung Quốc không chấp hành, ICAO có thể đưa vấn đề ra bàn thảo trong các nhóm công tác, các cuộc họp trong khuôn khổ diễn đàn của tổ chức, thậm chí có thể xem xét tại kỳ họp của Đại hội đồng ICAO. Trung Quốc cũng là thành viên của ICAO nên phải tuân theo các nguyên tắc chung để đảm bảo an toàn hàng không.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng an toàn hàng không dân dụng là hết sức quan trọng, tai nạn hàng không là vô cùng thảm khốc. Những máy bay Trung Quốc nói trên đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế về đảm bảo an toàn.
- Trường hợp Trung Quốc phớt lờ những khuyến cáo ICAO thì ngành hàng không Việt Nam cần làm gì?
- Tôi biết Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thư khuyến cáo đến nhà chức trách Hàng không dân dụng Trung Quốc về vụ việc này, phản đối hoạt động bay của các máy bay Trung Quốc đe dọa đến an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Ngành hàng không Việt Nam cũng kiến nghị đến cấp có thẩm quyền cao hơn nữa để cùng có biện pháp đảm bảo an toàn hàng không trong khu vực. Ngoài ra, trong các cuộc họp về an toàn hàng không thế giới, chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra để các nước trong khu vực có ý kiến phản đối hoạt động bay của Trung Quốc.
Theo thông cáo báo chí của Cục Hàng không Việt Nam tối 9/1, cơ quan này đã gửi thư đến Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), nhắc lại Công hàm chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời phản đối mạnh mẽ hoạt động bay của các tàu bay Trung Quốc đe dọa đến an ninh, an toàn; tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không có thêm các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, và không lặp lại hành động tương tự, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế. Cục Hàng không cũng gửi thư thông báo đến nhà chức trách hàng không của các quốc gia thành viên ICAO, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội người lái tàu bay (IFALPA), Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay quốc tế (CANSO), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội kiểm soát viên không lưu (IFATCA), Hiệp hội các Nhà khai thác hàng không tại Việt Nam (AOC), hơn 100 hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay thường lệ trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, đề nghị phối hợp phản đối hoạt động bay của tàu bay Trung Quốc đã uy hiếp an toàn hàng không. |
Đoàn Loan