Ngày 20/3, phiên xét xử 15 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan tập đoàn Tân Hoàng Minh bước sang ngày thứ hai. Tòa nghỉ sớm vào buổi sáng để các bị hại tiếp tục cập nhật, đăng ký thông tin với cán bộ tòa án.
So với hơn 1.000 bị hại đến hôm qua, tại cả hai hội trường xét xử và khu vực rạp đều đã giảm hẳn "sức nóng", chỉ còn khoảng 100 người, đa số cao tuổi.
Trình bày nguyện vọng trong phiên tòa chiều nay, các bị hại đều ghi nhận sự "tự nguyện, chân thành" của Tân Hoàng Minh khi nộp lại tiền khắc phục hậu quả của vụ án. Họ xin giảm nhẹ hình phạt cho cha con ông Dũng nói riêng và các bị cáo nói chung.
Bị hại Cao Minh Hằng nói không biết gì về đầu tư trái phiếu nhưng thấy Tân Hoàng Minh là công ty lớn, có tên tuổi nhiều năm nên cùng người nhà mua 3 hợp đồng trái phiếu, tổng trị giá 500 triệu đồng. Bà cho hay đã được trả lãi nhiều lần, đúng cam kết, "chưa chậm một ngày".
"Tôi ghi nhận tấm lòng của ông Đỗ Anh Dũng phát biểu hôm qua, ông ấy nói rằng chưa bao giờ có ý định lừa đảo. Tôi công nhận Tân Hoàng Minh sai với nhà nước, sai về luật, bây giờ phải chịu phạt, nhưng xét về tinh thần, tình cảm...", bà bị chủ tọa ngắt lời và yêu cầu trình bày ngắn gọn trọng tâm.
Tiếp lời, bị hại này cho rằng vụ án là "điều không may xảy ra". Bà mong muốn các bị cáo được khoan hồng để tiếp tục sản xuất kinh doanh thực hiện nốt cam kết với các nhà đầu tư, tức là trả lãi đầy đủ. "Tôi biết trong thời gian ngắn mà Tân Hoàng Minh khắc phục đủ số tiền đó là không đơn giản nên chỉ mong nhận hết gốc, lãi tính sau", bà nói.
Trái ngược quan điểm, một bị hại khác cho rằng số tiền Tân Hoàng Minh khắc phục và số tiền cơ quan điều tra tịch thu trong quá trình điều tra đã được nộp lại. "Tiền nộp về kho bạc suốt thời gian đó cũng sinh lãi, vậy lãi đó để làm gì?", bà hỏi với tông giọng cao và được chủ tọa nhắc nhở bình tĩnh, tiết chế.
Các bị cáo bị bắt khi bà sắp đến kỳ lấy lãi, do đó bà cùng nhiều người đồng quan điểm đề nghị được bồi thường cả lãi và gốc. Theo bà, 100-200 triệu đồng có thể không lớn, nhưng để lãi "ngày này qua tháng khác" là số tiền không nhỏ và có ý nghĩa rất lớn với nhiều người.
Nêu quan điểm sau đó, một bị hại không nêu tên và số tiền thiệt hại, song kiến nghị nhà chức trách "rút ra bài học cho câu chuyện về trái phiếu" sau vụ án này để cả người dân và doanh nghiệp không bị thiệt. Bà cho rằng cần "cho doanh nghiệp một con đường sống" để "ngã ở đâu đứng dậy ở đó".
Trong phần xét hỏi trước đó, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Văn Thịnh, hai Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, và các bị cáo là nhân viên cho hay bản thân cũng ký hợp đồng, mua nhiều trái phiếu, đồng thời thuyết phục người thân, bạn bè tham gia.
Ông Hùng khẳng định trước khi vụ án bị khởi tố, Tân Hoàng Minh "chưa và không bao giờ nhận được các phản ánh của nhà đầu tư về việc chậm trả lãi trái phiếu". Ông tin tưởng công ty đang làm ăn rất tốt nên cùng bố mẹ, anh em ruột bạn bè mua trái phiếu.
Có mặt tại tòa trong vai trò vừa là người liên quan, vừa là bị hại, vợ và em trai ông Hùng nói tiếp xúc với ông Dũng thấy tin cậy, có uy tín nên tự bỏ tiền đầu tư, không phải do ai thuyết phục.
Bị cáo Thịnh cũng khai, tin tưởng công ty đã mua trái phiếu với mục đích mang lại lợi nhuận cho bản thân.
Sau trình bày của những người này, tại tòa, Chủ tịch Tân Hoàng Minh nói "xúc động rơi nước mắt", đồng thời xin trình bày quan điểm về việc bồi thường.
Theo đó, về lãi đến hạn của các trái phiếu đã mua trước khi ông bị bắt, ông hứa trả đầy đủ. Còn lãi sau thời điểm này, ông theo phán quyết cuối cùng của tòa.
"Về nguyên tắc vụ án hình sự, khi tôi bị bắt, các hợp đồng hợp tác kinh doanh trái phiếu này sẽ bị tuyên vô hiệu. Tiền huy động chưa đưa vào kinh doanh, chưa phát sinh lợi nhuận đã bị cơ quan chức năng thu hồi, lợi nhuận chưa có. Nên vấn đề chỉ là sự tự nguyện và thiện chí của Tân Hoàng Minh", ông Dũng trình bày và nói riêng việc này xin để dành lại trong lời nói sau cùng.
Hơn 90 triệu trái phiếu Tân Hoàng Minh bán ra trong khoảng thời gian 7/2021-4/2022 có giá 100.000-100 triệu đồng mỗi trái phiếu, với 4 mức lãi suất tính theo năm 11%, 11,5%, 11,75% và 12%.
Trong phiên tòa hôm nay, đại diện bên có quyền lợi liên quan, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh Tây Thăng Long cho hay có 4 hợp đồng quản lý tài sản đảm bảo cho Tân Hoàng Minh trong quá trình doanh nghiệp này phát hành trái phiếu. Tổng giá trị 4 hợp đồng là 12,4 tỷ đồng đã bị cơ quan điều tra yêu cầu ngân hàng nộp lại.
Nếu đây được tòa xác định là nguồn tiền bất hợp pháp, ngân hàng sẽ tuân theo phán quyết của tòa. Nếu việc giao kết các hợp đồng là đúng luật, đại diện ngân hàng này đề nghị tòa tuyên buộc Tân Hoàng Minh trả lại cho Vietinbank Tây Thăng Long bằng một dòng tiền khác không thuộc dòng tiền đã bị nhà chức trách thu giữ.
Sau ghi nhận các ý kiến này, HĐXX tuyên bố sáng mai phiên xét xử tạm nghỉ. 13h30 chiều mai, VKS sẽ luận tội.
Thanh Lam