Ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường cho ý kiến gói chính sách 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19. Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ dự kiến gói 62.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ khoảng 20 triệu người.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế như vậy sẽ "đem lại sự yên tâm cho người dân, giải quyết khó khăn, vất vả của họ trong cuộc sống".
Nhưng bà lưu ý, sau khi ban hành chính sách, các cấp, ngành phải thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời. "Phải kiểm tra, giám sát để không xảy ra tiêu cực, trục lợi, cũng như hạn chế thấp nhất độ trễ của chính sách khi đi vào cuộc sống", Chủ tịch Kim Ngân nói.
Tránh trục lợi chính sách cũng là lưu ý trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính ngân sách. Theo ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, Chính phủ cần xác định đúng, trúng đối tượng thụ hưởng, tránh cách hiểu khác nhau, tạo kẽ hở phát sinh trục lợi chính sách.
"Nguyên tắc đối tượng được hỗ trợ phải là những người bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh", ông Hải lưu ý.
Ngoài ra, Chính phủ cần đánh giá kỹ nguồn lực ngân sách để bảo đảm an toàn cân đối vĩ mô. Bên cạnh đó, khi huy động, sử dụng các quỹ trong lĩnh vực an sinh xã hội phải bảo đảm nguyên tắc dài hạn, ổn định và chủ động do các quỹ này "chính là một trong những điểm tựa cho quốc gia nếu đại dịch kéo dài".
Theo đề xuất của Chính phủ, trong gói 62.000 tỷ, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, gồm 19.000-20.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn còn lại của năm 2019 từ ngân sách trung ương; nguồn dự phòng năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên... Ngân sách địa phương trong gói hỗ trợ này khoảng 13.000-14.000 tỷ đồng.
Khoản hỗ trợ gián tiếp sẽ từ nguồn cho phép doanh nghiệp, người lao động dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3.000 tỷ đồng); cho vay với lãi suất 0% để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16.000 tỷ).
Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho biết "cơ bản nhất trí và việc sử dụng một phần nguồn tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương là "đúng thẩm quyền".
Nhưng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách địa phương do Thường trực HĐND quyết định, không thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát bảo đảm đúng quy định, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của các địa phương.
Về các khoản hỗ trợ gián tiếp, theo ông Nguyễn Đức Hải, đây là nội dung áp dụng khác với quy định của pháp luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội. Trong điều kiện khẩn cấp, khi Quốc hội chưa thể họp thì Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội xin chủ trương và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Dù vậy, trước sự cấp bách hỗ trợ đối tượng yếu thế khó khăn vì đại dịch, Uỷ ban Tài chính ngân sách kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng 20.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn còn lại của năm 2019 từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid-19. Không sử dụng hết thì chuyển về dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020.
Bổ sung thêm về nguồn vượt thu ngân sách, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, nguồn vượt thu Ngân sách Trung ương và kinh phí còn lại năm 2019 khoảng 55.000 tỷ đồng, trong đó 32.200 tỷ vượt thu ngân sách Trung ương và 23.400 tỷ đồng kinh phí còn lại.
Ông cho biết, sau khi dành nguồn cải cách tiền lương, thưởng vượt thu, bù đắp hụt thu cho một số địa phương, có thể dành khoảng 34.000 tỷ đồng phòng, chống Covid-19 và bù đắp hụt thu ngân sách Trung ương năm 2020.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về gói 62.000 tỷ. Nghị quyết về gói hỗ trợ này sẽ do Chính phủ thông qua và ban hành. Thời gian hỗ trợ các đối tượng là 3 tháng, trường hợp kéo dài cần báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
"Việc xác định và hỗ trợ hộ cận nghèo, lao động tự do nên giao cho các địa phương trên cơ sở nguồn lực của mình và thực tế để tự cân đối. Chính sách tín dụng cần cân nhắc việc cho vay mà không có tài sản đảm bảo, tránh việc dẫn đến những rủi ro", Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Anh Minh