Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022.
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đề cập đến giải ngân vốn đầu tư công chậm. Theo bà, đây là vấn đề "đã nói nhiều tại các kỳ họp, nên cần có giải pháp căn cơ để tạo chuyển biến tích cực". Bà cũng bày tỏ lo lắng khi gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế "triển khai chậm, địa phương rất lo", trong khi gói này chỉ thực hiện đến năm 2023.
"Thủ tục giải ngân từ trên xuống giờ rất khó khăn, địa phương khá tâm tư", bà Bé nói.
Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, hiện chi ngân sách vô cùng khó khăn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Trong khi gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế thì "chưa giải ngân được đồng nào" vì ngày 24/5 Chính phủ mới gửi danh mục dự án.
"Đặc biệt 14.000 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế chưa có danh mục nào. Chương trình Sóng và máy tính cho em, tiền có sẵn mà cũng không tiêu được", Chủ tịch Quốc hội nói và băn khoăn, "không biết lý do là gì, vì thể chế không vướng".
Chủ tịch Quốc hội dẫn lại báo cáo quyết toán ngân sách năm 2020 để thấy chuyển nguồn sang năm sau hơn 600.000 tỷ do không tiêu được ngân sách, chứ không phải không có tiền. Đây cũng là vấn đề "Chính phủ và Quốc hội đều rất băn khoăn".
"Có người nói, tôi cũng hay nói, cần có giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ. Nhưng giải pháp mới là gì? Ta không bàn thì Quốc hội họp xong, Chính phủ họp xong rồi vẫn tắc", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Huệ cũng cho rằng lo nhất là gói kích thích kinh tế 347.000 tỷ đồng cho các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế.... chưa phân bổ được đồng nào.
"Chúng ta phải bàn vì sao lại thế này. Phải chăng là khâu chuẩn bị đầu tư? Có tỉnh mời cả cơ quan nội chính, thanh tra, công an vào Hội đồng nhưng vẫn không mua được, lạ thế?", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và cho biết trong mua sắm, thể chế không vướng gì, thậm chí còn cho cơ chế đặc thù, đặc cách, chỉ định thầu.
"Mở hết cỡ rồi, sao không chuyển biến được thì tôi cũng không hiểu. Mong các đại biểu Quốc hội góp ý, hiến kế", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Halcom (đoàn Bình Dương), đặt vấn đề nếu không tiêu hết tiền trong gói phục hồi kinh tế, đơn cử riêng khoản 113.500 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng, trong hai năm tới sẽ không đạt được mục tiêu Nghị quyết 43 của Quốc hội là tăng trưởng kinh tế thêm 2%. Ông đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn tiền thuộc chương trình phục hồi sẽ dự trù chi cho các dự án nào, có thể giải ngân hết trong 2022 - 2023 hay không?
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, nêu cụ thể hơn, thời gian gần đây, các cơ sở y tế sợ không dám mua sắm, dẫn đến thiếu thuốc, trang thiết bị. "Đây là việc rất cấp bách, chúng ta cần trao đổi để có giải pháp tức thì", ông đề nghị.
Theo ông Mãi, ngày 24/5, lãnh đạo TP HCM đề nghị Sở Y tế bàn tính, đề xuất để mua thuốc, hóa chất phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân hằng ngày. "Chúng tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ thời gian tới tập trung đẩy nhanh hơn nữa triển khai các gói phục hồi kinh tế, đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng", ông Phan Văn Mãi nói.
Liên quan tình trạng thiếu thuốc, ông Huệ nói không chỉ thuốc phòng chống Covid-19 mà thuốc thông thường khác cũng thiếu "vì không dám mua dù ngân sách có".
"Ngay cả vấn đề mua sắm liên quan đến phòng chống dịch, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt nhưng xuất hiện hai trạng thái, một số nơi không dám mua, có nơi mua thì sai, không hiểu lý do", ông Huệ nói và cho rằng vấn đề này phải làm rõ.
Theo báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm giải ngân đầu tư công đạt 16,36%, mức này thấp hơn so với cùng kỳ 2021. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài 4,4% và có tới 17 bộ ngành, cơ quan trung ương chưa giải ngân. Uỷ ban Kinh tế khi thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch; cũng như việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng làm chậm giải ngân đầu tư công và ảnh hưởng đến chi phí đầu tư công.
Cũng theo Uỷ ban Kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội triển khai chậm, các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn, chưa được áp dụng vào thực tiễn.
Đến nay, Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349 tỷ đồng cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán, dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023. Danh mục các dự án dùng vốn từ chương trình phục hồi kinh tế cũng chưa được Chính phủ hoàn thiện, theo Uỷ ban Kinh tế, là quá chậm, làm giảm hiệu quả...