Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 vào sáng 19/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng 8 tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Các cân đối lớn được bảo đảm, tỷ lệ nợ công, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách đều dưới ngưỡng cho phép; nợ xấu được kiểm soát, tỷ giá khá ổn định.
Các công trình, dự án quan trọng quốc gia, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng và cả nước được đẩy mạnh; củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, hỗ trợ hướng tới phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực. Một số địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi hoặc duy trì đà tăng nhanh như Hải Phòng, Bắc Ninh, TP HCM; công tác an sinh xã hội được quan tâm, bảo đảm.
Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn.
"Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài", ông Huệ nói.
Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà suy giảm, 8 tháng đầu năm giảm 10% so với cùng kỳ, mạnh nhất trong cùng kỳ 12 năm trở lại đây. Thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản còn khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thu hút vốn FDI vẫn gặp nhiều thách thức trong dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa sâu, rộng. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng, chưa có sự lan tỏa với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, nhiều diễn biến mới nặng nề hơn dự báo. Thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm ca. Khả năng chống chịu của doanh nghiệp, nền kinh tế còn hạn chế và ngày càng bộc lộ rõ nét.
"Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài", ông Huệ nói.
Tại diễn đàn kinh tế 2023, ông Huệ đề nghị các đại biểu đưa ra dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức trong giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó, các đại biểu cần phân tích rõ khó khăn, năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay cũng như giải pháp căn cơ khơi thông nguồn lực.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nói kinh tế Việt Nam đang tiềm ẩn những bất cập tích tụ qua nhiều năm như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Những vấn đề này bộc lộ rõ hơn sau đại dịch Covid-19, thanh khoản thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngân hàng SCB phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt đã ảnh hưởng trực tiếp và tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây ra nguy cơ rủi ro hệ thống không nhỏ cho nền kinh tế vừa mới phục hồi mong manh.
Theo ông Thắng, Việt Nam cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến". "Dĩ bất biến" là việc củng cố, duy trì ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, để nền kinh tế - xã hội có đủ năng lực chống chịu, có dư địa để ứng phó với các diễn biến bất ngờ.
"Ứng vạn biến" là việc điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kích cầu, như hạ mặt bằng lãi suất, giảm thuế VAT, tăng lương trong khu vực công, hỗ trợ mở rộng xuất khẩu, quyết liệt thực hiện tăng giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh đối tác công tư.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận những trở ngại không thể khắc phục chỉ trong một sớm, một chiều. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng; cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là nguy cơ lạm phát gia tăng vào cuối năm; nguy cơ đổ vỡ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Đây là sự kiện do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tại diễn đàn, các đại biểu sẽ tham gia hai chuyên đề gồm "Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó"; "Nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới" và một phiên toàn thể.