Thông tin trên được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội chiều 8/6. Bà dẫn thông tin cho biết, trong khi tăng trưởng kinh tế của nhiều nước âm, Việt Nam vẫn đạt 3,82%. Còn với Việt Nam, Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà "cố gắng để đạt ở mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2020".
"Năm nay Quốc hội nên giao Chính phủ có điều chỉnh trong điều hành. Chẳng hạn điều chỉnh chi tiêu cục bộ ở những địa phương, bộ ngành không giải ngân được vốn đầu tư công, hoặc làm chậm", bà Kim Ngân nói.
Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm vẫn chưa thoát khỏi cảnh u ám khi hầu hết chỉ số quan trọng đều thấp so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu xét riêng tháng 5 - tháng đầu tiên sau giãn cách xã hội - những nét tích cực đã xuất hiện với sự phục hồi của khu vực sản xuất, doanh nghiệp, du lịch...
Xem thêm: Những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế
Theo các phương án của Chính phủ, bà Ngân cho biết, năm nay ngân sách có thể hụt thu hơn 100.000 tỷ đồng. Bội chi năm 2018 theo quyết toán thấp, chỉ 2,8% GDP, năm 2019 kiểm soát bội chi ở mức 3,5%. Nhưng năm nay, theo bà chắc chắn bội chi sẽ tăng lên vì hụt chi và vì nhiều khoản chi cấp bách phải thực hiện.
Thảo luận về kinh tế xã hội chiều nay, các đại biểu đề cập nhiều tới làn sóng dịch chuyển đầu tư sau Covid-19. Ông Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, người đang là đại biểu TP Hà Nội nói, thay vì thu hút đầu tư mang tính dàn trải như trước, cần chủ động đi săn tìm các nhà đầu tư chứ không phải ngồi chờ họ đến. Việc này sẽ kết nối khoảng trống đầu tư trong nước. Muốn vậy, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi thực sự hấp dẫn với họ.
"Trong bối cảnh này Chính phủ có thể đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các tập đoàn tư nhân để tạo nguồn lực hợp tác, bắt tay với các đối tác nước ngoài trong một số lĩnh vực", ông nêu.
Lấy dẫn chứng ngành đường sắt, đại biểu TP Hà Nội nói, tiềm năng phát triển rất lớn khi Việt Nam sẽ phát triển loạt hệ thống đường sắt đô thị, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam... Nếu Việt Nam hợp tác liên doanh, liên kết với các đối tác phát triển dự án này, mua công nghệ về phát triển thì "sẽ có ngành đường sắt chủ động, chứ không lệ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài, rồi bị cắt xén như hiện nay".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng cho rằng, Việt Nam cần thay đổi cách thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài sau Covid-19. "Việc tái cơ cấu của Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ khoảng 10 năm qua, làm mất nhiều thời cơ thu hút đầu tư nước ngoài", ông nói.
Ông Nghĩa phân tích, những năm qua Việt Nam "ăn xổi ở thì", chỉ lấy tiền gia công chứ không đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ. Vì vậy, khi xảy ra Covid-19, nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia có nhân lực cao nên thu hút được nhiều.
"Không tổn thất về người nhưng tổn thất về kinh tế thì tôi e rằng chưa đánh giá hết. Điều này cực kỳ quan trọng", ông Nghĩa bày tỏ.
Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Quốc Tuấn (Hà Nội) nhấn mạnh cần "củng cố nội lực trong nước sau đại dịch", khi nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế của Việt Nam như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày hay các ngành dịch vụ, du lịch... chịu tác động nặng nề sau dịch.
Ông Tuấn đề nghị, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ phát triển vùng nguyên liệu trong nước. "Covid-19 cho thấy khi phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh trong nước. Phát triển vùng nguyên liệu trong nước sẽ giúp tự chủ trong sản xuất", ông nói.
Bên cạnh đó, chuyển nhanh từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn, nghĩa là chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên thô, vừa lãng phí, gây ô nhiễm môi trường... sang ứng dụng công nghệ cao, khai thác triệt để mọi tài nguyên vào sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ để tái chế chất thải, rác thải. "Đây là xu hướng của thế giới và sau đại dịch thì kinh tế tuần hoàn sẽ phát triển song song cùng cách mạng công nghiệp 4.0", ông nêu.
Anh Minh - Hoàng Thuỳ - Viết Tuân