Quan điểm này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và vinh danh các thương hiệu mạnh, ngày 12/10.
Ông đánh giá, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp từng bước lớn mạnh cả về số lượng, quy mô lẫn chất lượng, đóng góp lớn vào những thành tựu phát triển của đất nước. Đến nay, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nhân thành đạt cùng nhiều thương hiệu mạnh, hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh Covid-19 đang tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo thích ứng với điều kiện khó khăn, vượt qua những thách thức do đại dịch mang lại. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân dù khó khăn vẫn không quên trách nhiệm với cộng đồng xã hội, chung tay cùng các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch.
Tác động không nhỏ tới kinh tế xã hội, nhưng dịch Covid-19 cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển. Vì thế, ông Vương Đình Huệ hy vọng các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia tích cực, tạo đột phá trong thị trường khoa học, công nghệ, trong đó các doanh nghiệp công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
"Các doanh nhân, doanh nghiệp cần xây dựng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh, tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, nuôi dưỡng hoài bão lớn và khát vọng vươn lên", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đại diện các doanh nghiệp như lãnh đạo tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT, Tổng công ty May 10, Tập đoàn Masan cho biết, thời gian qua, để tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc, nhiều cơ chế, chính sách đã được kịp thời sửa đổi, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch Covid-19.
Dù thế, các doanh nghiệp vẫn mong muốn, đề xuất Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Quốc hội trong việc thực thi chính sách, nhằm đảm bảo sự phù hợp và hiệu quả của các chính sách, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, người lao động, tái phục hồi sản xuất, kinh doanh...
Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cơ quan này từng bước hoàn thiện khung khổ pháp luật cho gia nhập thị trường, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh, cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường, bảo đảm giao kết hợp đồng, xây dựng cơ chế rút lui khỏi thị trường thuận tiện và giải quyết tranh chấp có hiệu quả.
Chính phủ vừa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025. Thảo luận nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, đặt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chương trình tổng thể thích ứng, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Điều này nhằm tăng tính tự chủ của nền kinh tế, tăng khả năng chống chịu, thích ứng với biến cố, những cú sốc do bất ổn kinh tế vĩ mô ở bên ngoài hoặc những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu hay dịch bệnh.
Vì thế, thời gian tới cần quyết tâm cao hơn nữa, các biện pháp nhằm kịp thời khắc phục tác động của dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại, từng bước tái thiết và khôi phục kinh tế.
Ngoài các gói hỗ trợ đã ban hành, trong tuần này Chủ tịch Quốc hội sẽ làm việc với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và một số cơ quan liên quan rà soát lại dư địa của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để nghiên cứu, xây dựng gói hỗ trợ tái thiết kinh tế.
Sáng kiến Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và vinh danh các thương hiệu mạnh Việt Nam được duy trì gần 20 năm qua. Đây là nơi hội tụ của các doanh nghiệp cả nước, cùng trao đổi kinh nghiệm, hợp tác sản xuất, kinh doanh, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp và hiến kế của doanh nghiệp, doanh nhân cũng như giới chuyên gia kinh tế tới các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương.
Anh Minh