Quan điểm này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra khi góp ý về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 cho biết, đột phá của kế hoạch cơ cấu lần này là tập trung vào thể chế, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, giải quyết vướng mắc về đất đai, đầu tư kinh doanh, nợ xấu, phát triển các loại thị trường...
Tuy nhiên, theo các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bản kế hoạch chưa nêu được đậm nét chủ trương huy động nguồn lực trong dân, cũng như việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, 5 năm qua Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế, có nhiều dấu ấn nổi bật và tích cực. Tuy vậy, cần tập trung đến việc phát triển của thị trường vốn do năng lực cũng như khả năng huy động vốn hạn chế. Hiện việc hấp thụ vốn của nền kinh tế gặp trở ngại, tín dụng tăng chậm, có nguy cơ chảy vào những lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản.
Vì thế, ông Huệ nhấn mạnh, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu giải pháp cải thiện thể chế, luật pháp, ưu đãi... để mở rộng năng lực thị trường vốn (thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp), huy động nguồn lực trong dân.
Một trong số giải pháp được ông Huệ nhắc tới là Bộ Tài chính đang tính toán phát hành thêm công trái thông qua người dân như ngày xưa. Việc này nhằm huy động nguồn lực trong dân còn đang nhiều, chứ không phải thông qua "kênh" bán buôn các tổ chức tín dụng.
Bởi nếu huy động thông qua các ngân hàng thì vướng quy định trần cho vay trung, dài hạn. Chẳng hạn, ngân hàng huy động 100 đồng, chỉ được cho vay ra 40 đồng, nên các nhà băng muốn cho vay nhiều hơn cũng khó.
Ông Huệ cũng nhấn mạnh, phải tập trung phân tích các yếu tố để đánh giá năng lực hấp thụ vốn nền kinh tế. "Tiền đưa vào chỗ nào, kích thích vào đâu để tiền rót vào mà tiêu được, nhất là phân bổ, giải ngân đầu tư công, giải quyết các dự án treo, chậm tiến độ...", ông nêu.
Ở khía cạnh này, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần tổng kết lại kết quả cơ cấu kinh tế giai đoạn trước để có những định hướng rõ nét hơn cho 5 năm tới. Bà Thanh cũng đề nghị quan tâm tới việc huy động nguồn lực trong nước.
Theo bà, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhưng nguồn lực trong dân chưa huy động được, mà còn nhiều. "Thể chế, cơ chế chính sách cần cải cách mạnh mẽ hơn để huy động nguồn lực trong nước, kết hợp với nguồn lực từ khối FDI cho phát triển kinh tế xã hội", bà Thanh nhấn mạnh.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư thừa nhận, hiện nguồn lực trong dân còn rất lớn, nên chính sách tới đây là làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền vào kinh doanh, hơn là bỏ vào nhà cửa, đất đai, vàng bạc.
"Đây là vấn đề lớn, trăn trở. Chủ trương của Đảng, Nhà nước rất rõ nhưng triển khai thực tế còn hạn chế. Vì thế, làm sao khơi thông được điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực và huy động vốn trong dân đang còn rất lớn, bên cạnh sử dụng vốn đầu tư công, vốn đầu tư nước ngoài hay của doanh nghiệp Nhà nước", ông Dũng nói.
Ngoài chuyện huy động nguồn lực từ dân, bản kế hoạch cơ cấu kinh tế 5 năm cũng được yêu cầu chú ý tới các yếu tố nâng cao năng lực hấp thụ vốn nền kinh tế. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nếu cấp bách phải điều chỉnh chính sách tài khoá, tiền tệ để phục hồi, tái thiết kinh tế, song vấn đề là có tiêu được tiền hay không.
Về tác động của Covid-19 tới kinh tế xã hội, các ý kiến tham gia góp ý cho rằng sẽ khó đoán định, nên nguy cơ rủi ro kinh tế, đứt đoạn chuỗi cung ứng còn hiện hữu. Vì thế, ông Huệ cho rằng bản kế hoạch tái cơ cấu 5 năm tới phải gắn với chương trình phục hồi tổng thể nền kinh tế và tăng tính tự chủ nền kinh tế.
"Như vậy, vừa phải trọng cung, vừa phải kích cầu. Tức là coi trọng kích thích các yếu tố phát triển, nhưng cũng phải chú trọng tới kích cầu. Cả tổng cung, tổng cầu phải chú trọng thời gian tới đây", ông khẳng định.
Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào 2025 khó khả thi
Theo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 Chính phủ đặt mục tiêu 5 năm tới có 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó khoảng 60.000-70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%.
Thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế cho rằng mục tiêu này khó khả thi. Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhìn nhận, tác động của Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới "sức khoẻ" các doanh nghiệp vừa qua. Số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể, phá sản tăng mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng qua có khoảng 90.000 doanh nghiệp rời thị trường, tức là bình quân mỗi tháng khoảng 10.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. "Hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, tình hình tài chính của doanh nghiệp đã bị bào mòn, suy giảm đáng kể vì Covid-19", ông Thanh nói.
Trước bối cảnh "Covid-19 chưa biết khi nào kết thúc", Uỷ ban Kinh tế đề nghị cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu này.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận "đây là vấn đề khó". Thực tế, 5 năm trước Chính phủ đã đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp nhưng cuối cùng không đạt được, do cả nguyên nhân khách quan, chủ quan và gần đây là do tác động từ dịch Covid-19. Đến nay có 820.000 doanh nghiệp, nên 5 năm tới có đạt được mục tiêu này hay không sẽ phụ thuộc vào chính sách, môi trường kinh doanh.
Sớm hoàn thành các mục tiêu "lỡ hẹn"
Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước vẫn là một trong 5 mục tiêu trọng tâm của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới. Ngoài ra, đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng...
Trong mục tiêu phát triển mạnh các loại thị trường, chỉ tiêu được xác định là đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP.
Kế hoạch cũng xác định hoàn thành việc xây dựng và công khai Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5% một năm. Trong đó, năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 6-7% một năm, tại các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc trung ương phải cao hơn tốc độ tăng năng suất trung bình cả nước...
Để kế hoạch cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới toàn diện hơn, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chủ quan việc không hoàn thành 5 mục tiêu cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, ông Thanh muốn làm rõ hơn ảnh hưởng đến tiến độ, khả năng thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại các phương án, đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng được mua bắt buộc, được kiểm soát đặc biệt; việc kiểm soát, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của hệ thống các ngân hàng. Cùng đó là việc xử lý tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tổ chức tín dụng.
Một số vấn đề khác cũng cần được đánh giá rõ hơn là kết quả khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí, nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Nguyên nhân chậm tiến độ, đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; nguyên nhân một số doanh nghiệp, dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm.
Đánh giá chất lượng bản kế hoạch cơ cấu kinh tế 5 năm tới "tương đối tốt", ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch Quốc hội cho hay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, dự kiến khai mạc ngày 20/10.
Anh Minh