Sáng 19/5, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022, ở Nhà hát Lớn.
Chủ tịch nước tri ân, tôn vinh đóng góp của giới văn nghệ sĩ. "Tôi đề nghị các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương, tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật và của văn nghệ sĩ trong phát triển văn học nghệ thuật và xây dựng nền văn hóa Việt Nam", ông Võ Văn Thưởng nói.
Ông Thưởng nhận định cần tiếp tục tập hợp, đoàn kết lực lượng văn nghệ sĩ người Việt Nam, kịp thời tôn vinh, biểu dương các văn nghệ sĩ có nhiều thành tựu, cống hiến cho đất nước. Chú trọng thiết lập môi trường dân chủ, tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, mở rộng biên độ tự do trong sáng tác hơn nữa, phát huy tài năng văn học nghệ thuật. "Chăm lo đời sống của văn nghệ sĩ, để họ có thể sống được với nghề, bằng tài năng và sự cống hiến", ông phát biểu.
Theo ông Võ Văn Thưởng, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đã dâng hiến tuổi thanh xuân, tài năng cho sự nghiệp cách mạng, có những sáng tác góp phần làm nên kỳ tích, khẳng định phẩm giá con người Việt Nam. Nhiều người đã hy sinh, để lại các tác phẩm đến nay được xem là di sản quý báu của dân tộc.
Ở giai đoạn mới, Chủ tịch nước nhìn nhận phải phát huy sức mạnh con người, nền văn hóa Việt Nam - động lực, nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững. Trước thách thức đặt ra, đất nước cần nhiều hơn các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh được thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, tầm vóc của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực. Từ đó, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam, khát vọng lớn lao của dân tộc từ giới văn nghệ sĩ.
Chủ tịch nước mong giới văn nghệ sĩ sẽ dấn thân, thể hiện lòng dũng cảm nhiều hơn, đồng thời đặt niềm tin vào sự sáng tạo, trách nhiệm và sự tâm huyết của họ. Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương, tiếp tục nhận thức về vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong phát triển văn học nghệ thuật và xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Tiếp tục tập hợp, đoàn kết lực lượng văn nghệ sĩ người Việt Nam, kịp thời tôn vinh, biểu dương các văn nghệ sĩ có nhiều thành tựu, cống hiến cho đất nước.
Đợt này, có 128 tác giả, đồng tác giả được vinh danh. Trong đó, có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao trên sân khấu.
Lĩnh vực văn học, tác giả Hoàng Trung Thông và Bùi Hiển được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Hồng Đăng) được vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm Lênh đênh, Đêm hành hương về huyền thoại, Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ, Khao khát, Gửi một câu hát cho Tokyo. Ông qua đời năm 2022 khi chưa kịp đón nhận giải thưởng.
Bà Lê Anh Thúy - vợ nhạc sĩ Hồng Đăng - xúc động cho biết: "Cả đời lao động, sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ, ông chưa từng nghĩ đến việc cống hiến vì bất cứ danh hiệu nào. Tôi ước ông có thể nhận giải khi còn sống". Bà Thúy là người làm hồ sơ cho chồng.
Có 87 tác giả, đồng tác giả được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và 25 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa thông tin trong đợt này.
Ông Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam - nói lễ trao giải không chỉ có ý nghĩa ghi nhận tinh thần, sự đóng góp của các văn nghệ sĩ mà còn là sự động viên, khuyến khích họ sáng tạo, dấn thân vào những đề tài mới và khó, nối tiếp thành tựu của các cây bút qua nhiều thời kỳ. Ngoài ra, các tên tuổi được vinh danh còn là tấm gương của các văn nghệ sĩ trẻ.
Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải danh giá nhất do Nhà nước trao tặng trong lĩnh vực kinh tế quốc dân, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật. Giải thưởng Nhà nước là giải cấp quốc gia quan trọng thứ hai, sau Giải thưởng Hồ Chí Minh. Việc xét và trao giải thưởng được thực hiện theo chu kỳ 5 năm.
>> Danh sách 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022
Hà Thu - Tân Cao