Tại các cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Tòa thánh, Hồng y Pietro Parolin ngày 27/7, hai bên đánh giá cao tiến triển trong quan hệ Việt Nam - Tòa thánh và hoạt động của cộng đồng Công giáo Việt Nam. Việt Nam và Tòa thánh Vatican thông qua Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam, theo thông cáo hôm nay của Bộ Ngoại giao.
Trong cuộc gặp Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Việt Nam thực hiện chính sách tôn trọng, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo. Chủ tịch nước hoan nghênh những đóng góp của cộng đồng Công giáo Việt Nam trong các hoạt động thiện nguyện, giáo dục, y tế, dạy nghề.
Giáo hoàng Francis khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là cơ hội để hai bên trao đổi về tình hình Công giáo Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Tòa thánh. Giáo hoàng bày tỏ tình cảm với đất nước, con người và quan tâm đặc biệt dành cho cộng đồng Công giáo Việt Nam.
Chủ tịch nước mong muốn Giáo hoàng tiếp tục chỉ dẫn các chức sắc, tín đồ Công giáo Việt Nam thực hiện đường hướng gắn bó, đồng hành cùng nhà nước và nhân dân vì sự phát triển và thịnh vượng của đất nước. Giáo hoàng Francis nhấn mạnh Giáo hội Công giáo Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đường hướng "đồng hành cùng dân tộc", "giáo dân tốt là công dân tốt".
Hai bên đánh giá việc thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam là bước tiến quan trọng. Việt Nam khẳng định sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động của đại diện thường trú. Giáo hoàng nhấn mạnh việc thông qua quy chế là hình mẫu của sự tin tưởng lẫn nhau và là cơ sở để thúc đẩy, mở rộng quan hệ hơn nữa trong thời gian tới.
Tại cuộc gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng, Hồng y Paronlin đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm tự do tôn giáo. Hồng y Parolin đánh giá Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong Giáo hội Công giáo với hơn 7,2 triệu giáo dân.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh coi trọng vai trò của Tòa thánh trong các vấn đề toàn cầu và mong muốn Tòa thánh tiếp tục góp phần hòa giải xung đột, gìn giữ hòa bình. Tòa thánh khẳng định Vatican nhất trí ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước luật Biển Liên Hợp Quốc 1982.
Tòa thánh Vatican là tổ chức cao nhất của Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu, là chủ thể của luật pháp quốc tế, có địa vị như một quốc gia, có quyền gửi đại diện và tiếp nhận đại diện ngoại giao các nước.
Thành quốc Vatican là vùng lãnh thổ của Tòa thánh, có dân số thường dưới 1.000 người, sở hữu những dịch vụ cơ bản như ngân hàng, báo chí, ga xe điện, trạm xăng, bệnh viện, bưu chính. Với diện tích 0,44 km2, Vatican là quốc gia nhỏ nhất thế giới, gồm thành phố Vatican, 23 địa điểm ở Rome và 5 địa điểm ngoài Rome.
Đứng đầu Tòa thánh là Giáo hoàng trị vì trọn đời và có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao đối với Tòa thánh và Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu. Giáo hoàng cũng là giám mục giáo phận Rome.
Cơ cấu tổ chức của Tòa thánh gồm Phủ Quốc vụ khanh, 16 bộ và Cơ quan Tư pháp. Người đứng đầu Phủ Quốc vụ khanh là Hồng y Parolin do Giáo hoàng bổ nhiệm, chức vụ này tương đương Thủ tướng các nước và có vai trò quan trọng thứ hai sau Giáo hoàng.
Từ năm 1990, Tòa thánh Vatican hàng năm cử đoàn Thứ trưởng Ngoại giao thăm Việt Nam, trao đổi các vấn đề mục vụ của Giáo hội. Tháng 1/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Giáo hoàng Benedict XVI và Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone, đây là tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên. Tháng 11/2008, hai bên nhất trí thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam - Vatican, họp thường niên và luân phiên ở hai nước.
Từ tháng 1/2011, Tòa thánh bổ nhiệm Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam. Tổng giám mục, Sứ thần Tòa thánh tại Singapore Marek Zalewski hiện là Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.
Theo Bộ Ngoại giao, cộng đồng người Việt ở Vatican chia thành hai nhóm, gồm làm việc cho Tòa thánh và lưu trú. Có khoảng 40 linh mục, giáo sĩ Công giáo Việt Nam đang tu học tại Vatican.
Giáo hội Công giáo Việt Nam gồm ba giáo tỉnh là TP. HCM, Huế và Hà Nội, 27 giáo phận, hai hồng y, 6 tổng giám mục, 41 giám mục tại chức, khoảng 3.000 giáo xứ với hơn 8.000 linh mục, 31.400 tu sĩ trên 7,2 triệu giáo dân, tương đương gần 8% dân số.
Tiến Anh