Sáng 2/11, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
“Các nước đã quyết định hoãn một số nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao nhưng tổng thể hiệp định này vẫn được đánh giá là một FTA chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay”, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá.
Theo Chủ tịch nước, việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á - Thái Bình Dương.
“Trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, việc tham gia CPTPP thực sự nâng cao vị thế của đất nước, giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh", Chủ tịch nước nói.
Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP, nhất là các nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Hiệp định CPTPP gồm 7 điều, 1 phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký ngày 6/2/2016 tại New Zealand, cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập CPTPP.
Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên nội dung của hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ, trong đó 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 liên quan tới mua sắm Chính phủ và 7 liên quan tới quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới; dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hoá và chống tham nhũng...
Ngoài thuận lợi, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, tham gia CPTPP đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế... Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với quy định về lao động, minh bạch hoá, chống tham nhũng... đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế những cũng đảm bảo sự vững chắc ổn định chính trị - xã hội.
“Với những cam kết đã đủ rõ, đủ chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp hiệp định này”, Chủ tịch nước đề nghị.
Để đảm bảo thực hiện Hiệp định, ông cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát khuôn khổ pháp luật khi kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 văn bản gồm 8 luật, 4 nghị định; kiến nghị ban hành mới 7 văn bản (6 Nghị định và 1 quyết định của Thủ tướng); kiến nghị gia nhập 3 điều ước quốc tế. Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát để có chỉnh sửa kịp thời.
GDP Việt Nam tăng thêm 1,32% vào năm 2035 khi tham gia CPTPP.
Thay mặt Thủ tướng trình bày báo cáo thuyết minh hiệp định CPTPP sau đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, với Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, hiệp định bao phủ 13,5% GDP toàn cầu. "Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam", Phó thủ tướng nói.
Dẫn tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Phó thủ tướng cho hay, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Việt Nam cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến giúp cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Cơ hội việc làm, thu nhập của người dân cũng sẽ tăng lên, bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 USD. Còn theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo có thu nhập 5,5 USD một ngày.
Tuy nhiên, việc tham gia CPTPP với thị trường rộng mở hơn cũng sẽ khiến Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức.
Trong số này, thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, hiện Việt Nam đã bảo lưu được lộ trình giảm thuế nhập khẩu tương đối dài cho các sản phẩm này (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm), ngành nông nghiệp cũng đang cơ cấu lại theo hướng thí điểm mô hình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ... nên năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp sẽ "đủ cạnh tranh trên sân nhà và vươn ra thế giới".
Ngoài ra, cũng có thêm một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ôtô. "Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì hiện tại và trong tương lai 10 - 15 năm nữa, sản phẩm của Việt Nam vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc trung bình trong khi sản phẩm của các nước CPTPP thường hướng đến thị trường cao cấp", Phó thủ tướng nhìn nhận.
Cũng theo Phó thủ tướng, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách, song sẽ không tác động đột ngột do trong CPTPP có đến 7/10 nước có FTA với Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có thể đóng góp nhiều hơn vào ngân sách thông qua các khoản thu thuế nội địa như thuế thu nhập doanh nghiệp...
Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực vào ngày 30/12 do đã có 6 nước chính thức thông qua gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.
Nguyễn Hoài