Đề nghị này được Chủ tịch nước nêu khi gặp, trao đổi với Liên minh Doanh nghiệp Mỹ - APEC, ngày 15/11, nhân tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023, tại San Francisco.
Trong tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden hồi tháng 9 về nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, phía Mỹ cho biết sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu công nhận quy chế thị trường.
Để hiện thực hóa tuyên bố chung, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn các doanh nghiệp Mỹ cùng có tiếng nói để chính phủ nước này sớm công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Ông cũng muốn phía Mỹ sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hạn chế hỗ trợ chất bán dẫn, để tạo điều kiện cho các dự án hợp tác giữa hai bên.
Đến nay, theo Bộ Công Thương, 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với tổng kim ngạch năm 2022 gần 109,4 USD (chiếm 29,5% - theo số liệu của Tổng cục Hải Quan). Mỹ cũng khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, trong đó chủ yếu là điều tra chống bán phá giá với 25 trên 56 vụ việc tính đến tháng 8/2023.
Việc được các nước nhập khẩu lớn như Mỹ xem là "kinh tế thị trường" giúp Việt Nam có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp, xuất - nhập khẩu.
Cũng tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho hay việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội lớn để các nhà đầu tư Mỹ tăng hợp tác với doanh nghiệp, địa phương Việt Nam trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, y tế.
Ông cho rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. "Việt Nam đang nỗ lực không ngừng trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Mỹ", Chủ tịch nước nói, và đề nghị các tập đoàn Mỹ tìm kiếm cơ hội đầu tư với một số địa phương giàu tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Đáp lại, đại diện các doanh nghiệp Mỹ bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư, tìm cơ hội hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. Họ khuyến nghị Việt Nam cần thu hút vốn phát triển các lĩnh vực về cơ sở hạ tầng, cảng hàng không và đẩy mạnh cải cách, thông quan điện tử. Chính phủ Việt Nam cũng cần đẩy nhanh chuyển đổi số, có giải pháp quản lý chi tiêu của chính phủ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Hợp tác kinh tế Việt - Mỹ tăng trưởng nhanh chóng, khi thương mại hàng hóa song phương đạt khoảng 138 tỷ USD vào 2022, gấp 300 lần so với 1995 - thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ. Năm ngoái, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ.
10 tháng đầu năm nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch gần 78,7 tỷ USD.