Yêu cầu này được Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu tại buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước sáng 13/4 khi chia sẻ về tính cấp thiết của việc giám sát sử dụng vốn tại các Bộ, ngành, địa phương.
Theo Chủ tịch nước, để phục vụ phát triển, thời gian qua, Việt Nam đã vay vốn ưu đãi từ nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế theo các hình thức ưu đãi như ODA... Đây đều là những nguồn vốn vay cần thiết để xây dựng đầu tư hạ tầng, công trình trọng điểm, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn này lại chưa thực sự hiệu quả.
Ông dẫn dụ nhiều dự án được đưa vào danh mục đề xuất vay trình lên đều thấy cấp thiết, nhưng lại không đúng địa chỉ, đối tượng vay. Có địa phương muốn vay để đầu tư hạ tầng chống ngập úng, nhưng thực tế chả bao giờ thấy ngập. Còn địa phương ngập úng quanh năm, song lại không thấy đề nghị được vay...
"Ưu đãi gì thì ưu đãi nhưng chúng ta vay rồi cũng phải trả, không thể vay rồi dùng tiền đó không đúng mục đích. Vì thế vay với mục đích phát triển đất nước thì hoan nghênh nhưng miễn làm sao phải sử dụng có hiệu quả", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Kiểm toán Nhà nước tham gia ngay từ đầu quá trình đề xuất danh mục dự án vay vốn ưu đãi; đồng thời đưa vào chương trình, kế hoạch hằng năm kiểm toán một số công trình, dự án đầu tư từ vốn vay ưu đãi. Nếu quá trình kiểm toán phát hiện sai phạm, tham mưu cho Chủ tịch nước, các Bộ, ngành kịp thời xử lý những dự án vay vốn ưu đãi sử dụng sai mục đích, lãng phí.
"Có khoản vay dù lãi ít nhưng không thiết thực thì cũng không nên vay", Chủ tịch Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Nhắc lại chức năng của Kiểm toán Nhà nước là công cụ quan trọng phát hiện tham nhũng, lãnh phí, Chủ tịch nước đề nghị cơ quan này chủ động kiến nghị cấp có thẩm quyền ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm. Vụ việc nào có dấu hiệu phạm tội chuyển cơ quan chức năng điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
"Cơ quan kiểm toán Nhà nước cần chủ động kiểm toán một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lãng phí tại một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, môi trường...", Chủ tịch nước nói và yêu cầu các cơ quan tư pháp tiếp nhận xử lý kiến nghị của cơ quan kiểm toán đúng theo quy định pháp luật.
Ngoài yêu cầu kiểm toán các dự án đầu tư trọng điểm vay vốn ưu đãi, thực tế chồng chéo, trùng lắp trong xây dựng kế hoạch kiểm toán giữa cơ quan thanh tra Chính phủ, thanh tra các Bộ, ngành... gây khó khăn cho đơn vị được kiểm toán, cũng được nhiều đại biểu nêu tại cuộc họp.
Thừa nhận thực tế này, ông Hồ Đức Phớc - Tổng kiểm toán Nhà nước nói thêm, thanh tra các Bộ đang làm việc "quá sức mình". Ông Phớc dẫn chứng, nhiều đoàn thanh tra Bộ chỉ có 6 thành viên, nhưng "ôm" làm tới 200 dự án trong 45 ngày; hay làm việc vượt quá giới hạn ngành mình cho phép. Đơn cử, thanh tra Bộ Xây dựng thanh tra cả các công trình điện, thuỷ lợi, đất đai... vừa không đúng quy trình, hiệu quả lại không cao.
"Thanh tra các Bộ đang làm việc với khối lượng công việc quá lớn, sẽ dẫn tới kiểu làm "cưỡi ngựa xem hoa". Nhiều lúc tôi thấy thương cho các tỉnh, doanh nghiệp phải tiếp hết đoàn thanh tra này tới đoàn khác, làm chậm sự phát triển của họ", ông Phớc chia sẻ và cho hay, tới đây Kiểm toán Nhà nước sẽ có cuộc họp với các Bộ, ngành để cùng phối hợp, tìm hướng tháo gỡ vướng mắc này", ông Phớc chia sẻ.
Nhìn nhận sự chồng chéo giữa các cơ quan kiểm toán, thanh tra hiện nay là có, ông Nguyễn Chí Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất, nên học kinh nghiệm quốc tế, chuyển hướng kiểm toán là chính, thay vì thanh tra, kiểm tra.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính thì góp ý, kế hoạch kiểm toán của cơ quan kiểm toán Nhà nước cần nêu địa chỉ cụ thể đơn vị sẽ thanh tra để tránh việc các Bộ phải điều chỉnh kế hoạch kiểm tra của mình.
Nhấn mạnh Kiểm toán Nhà nước là công cụ quan trọng để phát hiện dấu hiệu tham nhũng, không tuân thủ pháp luật về kinh tế, Chủ tịch nước yêu cầu cơ quan này chủ động hơn trong phối hợp với các Bộ, ngành, giảm tối đa chồng chéo các cuộc kiểm toán, thanh tra tại địa phương, doanh nghiệp.
Anh Minh