"Mỗi ca bệnh thật sự là một cuộc chiến, và mỗi người thầy thuốc với phẩm chất kiên cường của một chiến binh dũng cảm, đã luôn nỗ lực hết mình, chiến đấu với tử thần để giành lại sự sống cho người bệnh", Chủ tịch nước nói tại Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, thêm rằng "hơn hết họ còn là người bạn chân thành, tận tâm, lắng nghe, chia sẻ với tấm lòng ấm áp".
Chủ tịch nước đánh giá các thế hệ y tế đã luôn nỗ lực, phấn đấu, vượt khó, hết lòng hết sức cho sứ mệnh chữa bệnh, cứu người. Việt Nam là một trong những nước có hệ thống y tế rộng khắp từ cơ sở, thuộc nhóm đầu về giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ em. Các chỉ số sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật... đều được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế. Công tác khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Nhiều bệnh dịch và bệnh xã hội đã được khống chế, loại trừ, sức khỏe và tuổi thọ của nhân dân được tăng lên.
Nhiều thành tựu y khoa chuyên ngành đã trở thành niềm tự hào của y khoa Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ y khoa thế giới, mở ra triển vọng tốt đẹp trên con đường chinh phục các thách thức, giới hạn trong điều trị những bệnh hiểm nghèo, hiếm gặp. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tấn công vào mọi quốc gia, mọi thành trì y tế, đội ngũ y tế Việt Nam đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, chịu đựng nhiều mất mát, hy sinh để cùng toàn dân làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.
Ông nhắc nhân viên y tế vui mừng với những thành tựu đã đạt được, song không quên những thách thức, gian khó ở phía trước bởi công việc chữa bệnh cứu người. "Chăm sóc sức khỏe là một hành trình không có điểm dừng, gian khổ và vất vả của nghề y chưa bao giờ hết, đòi hỏi mỗi y bác sĩ kiên tâm, nỗ lực nhiều hơn, phấn đấu", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch cũng nhắc nhở "mỗi bác sĩ, y sĩ, nhân viên ngành y tế phải luôn khắc ghi lời thề Hyppocrates, kiên tâm, nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa về mọi mặt, phấn đấu đưa ngành y tế Việt Nam nằm trong nhóm đầu các nước trong khu vực và vươn tầm thế giới".
Chủ tịch nước nhìn nhận sau đại dịch Covid-19, thế giới ngày càng đối diện với nhiều thách thức, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, khủng hoảng và xung đột, áp lực xã hội ngày càng tăng... Dân số Việt Nam đã vượt qua mốc 100 triệu, là quốc gia có quy mô dân số đông, đặc điểm dân số trẻ nhưng có tốc độ già hóa nhanh, mô hình bệnh tật thay đổi và diễn biến phức tạp.
Nhiều vấn đề còn đang là rào cản, điểm nghẽn như chính sách, chế độ cho đội ngũ y bác sĩ chưa phù hợp, đời sống cán bộ y tế còn khó khăn. Các quy định, pháp luật còn chưa theo kịp với thực tiễn, trình độ quản lý y tế, tài chính y tế, tự chủ tài chính còn nhiều vướng mắc. Môi trường hành nghề có nơi có lúc thiếu an toàn, quá tải ở các bệnh viện tuyến trên... cần phải giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn.
"Trước mắt phải nhanh chóng hoàn thiện chính sách, pháp luật phù hợp, thiết lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, an toàn, thuận lợi để y bác sĩ, nhân viên y tế hành nghề; bảo vệ, hỗ trợ, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm", Chủ tịch nước nói, thêm rằng mỗi thầy thuốc cần luôn giữ lửa với nghề, có tinh thần tìm tòi, nghiên cứu, tiếp nhận cái mới, làm chủ khoa học kỹ thuật cao, chuyên sâu, hiện đại, coi trọng sự tiếp nối giữa các thế hệ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trẻ kế cận của ngành y.
Hôm 22/2, thăm Bệnh viện Nhi đồng 1, người đứng đầu Nhà nước cũng nhìn nhận nghề y cao quý nhưng gian khó, vất vả, nhiều áp lực, đòi hỏi sự nỗ lực học tập và vươn lên không ngừng. Vì vậy, ông mong muốn các y bác sĩ luôn giữ trong lòng khao khát, tình yêu mãnh liệt với nghề. Chủ tịch nước cũng mong muốn Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm y tế nhi khoa chất lượng cao top 5 khu vực Đông Nam Á.
Lê Nga