Chiều 18/3, UBND TP Hà Nội phát đi thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo liên quan đến việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố. Thông báo nêu, thời gian qua một số báo đài đã phản ánh về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị, đồng thời đăng thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn, một công dân thủ đô, gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu một số kiến nghị về việc thay thế cây xanh ở thủ đô.
"Trước sự việc trên, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị. Đồng thời, Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai", ông Nguyễn Thịnh Thành, người phát ngôn của Hà Nội thông tin.
Trước đó, ông Trần Đăng Tuấn gửi thư ngỏ tới ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Theo ông Tuấn, việc loại bỏ 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố và thực tế đang diễn ra việc chặt hạ cây xanh trên nhiều tuyến đường của Hà Nội gây nhiều lo lắng, băn khoăn và cả thắc mắc cho rất nhiều người dân, không chỉ ở Thủ đô mà trong cả nước.
Ông Tuấn kiến nghị nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không? Việc thay thế (nếu thực sự cần) theo cách thức nào; Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thoả đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào....
Theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị của Sở Xây dựng Hà Nội, qua khảo sát gần 200 tuyến phố trên 10 quận với hơn 29.600 cây xanh thì nhiều loài không thuộc chủng loại cây đô thị như dâu da, vông, dướng, trứng cá, bông gòn... Ngoài ra, một số cây trong quá trình sinh trưởng bị tác động khách quan làm cong, xấu, nghiêng gây cản trở giao thông, không đảm bảo cảnh quan, một số cây chết, sâu mục không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Từ kết quả khảo sát, Sở Xây dựng đã đề xuất chặt hạ khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố.
Sau khi chặt hạ, đơn vị chức năng sẽ bổ sung cây vào những chỗ có điều kiện trồng cây xanh tại các hè phố có mặt cắt ngang hơn 2 m; đặt chậu hoa, trồng cây cảnh, cây mảng lá màu, hoa, cỏ trong các hố trồng cây và các vị trí có vỉa hè hẹp từ 2 m trở xuống; bó vỉa gốc cây theo kích cỡ quy định, trồng cây cảnh dưới gốc cây. Hoàn trả vỉa hè những vị trí vỉa to hơn so với kích thước và đường kính gốc cây; Tiếp tục thực hiện đánh mã số cây trên toàn thành phố làm cơ sở xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cây xanh bóng mát.
Cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài trong đó 25 loài có số lượng cá thể lớn. Lượng cây trồng khoảng 50.000 cây với các loại chủ yếu như xà cừ, muồng, bằng lăng, phượng, sấu... Các loài cây trên có thể coi là cây xanh truyền thống của Hà Nội. Trong đó xà cừ là loài được trồng nhiều ở các tuyến phố cổ, phố cũ với ưu điểm là cây cao, tán rộng. Tuy nhiên nhược điểm của loại cây này là rễ chùm bám đất nông, ăn nổi, gây hư hại cho các công trình ngầm và vỉa hè, dễ bị đổ khi gặp mưa bão.
Võ Hải