Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố đã được UBND thành phố thông qua. Theo đó, hàng nghìn cây xanh tại 10 quận không đúng chủng loại cây xanh đô thị (cây cấm trồng), cây cong, xấu, ảnh hưởng mỹ quan, giao thông... sẽ bị chặt hạ, thay thế.
Khảo sát gần 200 tuyến phố của 10 quận với hơn 29.600 cây xanh thì nhiều loài không thuộc chủng loại cây đô thị như dâu da, vông, dướng, trứng cá, bông gòn... Ngoài ra, một số cây trong quá trình sinh trưởng phát triển bị tác động khách quan làm cho cây cong, xấu, nghiêng gây cản trở giao thông, không đảm bảo cảnh quan, một số cây chết, sâu mục không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Từ kết quả khảo sát, Sở Xây dựng đã đề xuất chặt hạ khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố.
Sau khi chặt hạ, đơn vị chức năng sẽ bổ sung cây vào những chỗ có điều kiện trồng cây xanh tại các hè phố có mặt cắt ngang hơn 2 m; đặt chậu hoa, trồng cây cảnh, cây mảng lá màu, hoa, cỏ trong các hố trồng cây và các vị trí có vỉa hè hẹp từ 2 m trở xuống; bó vỉa gốc cây theo kích cỡ quy định, trồng cây cảnh dưới gốc cây. Hoàn trả vỉa hè những vị trí vỉa to hơn so với kích thước và đường kính gốc cây; Tiếp tục thực hiện đánh mã số cây trên toàn thành phố làm cơ sở xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cây xanh bóng mát.
Theo Sở Xây dựng, để hoàn thành cơ bản Đề án cải tạo, thay thế cây xanh hai bên đường trên địa bàn 10 quận nội thành đến năm 2015, nhu cầu vốn là hơn 73 tỷ đồng (cho các việc như khảo sát, chặt, trồng cây thay thế, bó vỉa, hoàn trả vỉa hè). Nguồn vốn được huy động từ nguồn ngân sách Thành phố.
Cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài trong đó 25 loài có số lượng cá thể lớn. Lượng cây trồng khoảng 50.000 cây với các loại chủ yếu như xà cừ, muồng, bằng lăng, phượng, sấu... Các loài cây trên có thể coi là cây xanh truyền thống của Hà Nội. Trong đó xà cừ là loài được trồng nhiều ở các tuyến phố cổ, phố cũ với ưu điểm là cây cao, tán rộng. Tuy nhiên nhược điểm của loại cây này là rễ chùm bám đất nông, ăn nổi, gây hư hại cho các công trình ngầm và vỉa hè, dễ bị đổ khi gặp mưa bão.
Cây nguy hiểm là cây hoặc một phần của cây có khả năng gãy đổ gây tai nạn cho người, làm hư hỏng các phương tiện, tài sản, công trình, cây bị sâu bệnh có khả năng gây bệnh trên diện rộng. Cây không thuộc chủng loại cây đô thị, cây cấm trồng: Cây có độc tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người hoặc có các tác hại đến môi trường (dễ gãy đổ khi gặp mưa bão, có nhiều gai, quả gây ô nhiễm, rễ phát triển ngang, nổi gây hư hại đến các công trình xây dựng). |
Võ Hải