Sáng 14/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, biện pháp đổi giờ từng được đề xuất nhiều lần song không thực hiện được do nhiều ý kiến khác nhau. Lần này, kịch bản đưa ra phải đảm bảo giờ sinh hoạt của tất cả người già đến trẻ, công chức, phải giảm thiểu hệ lụy tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Thành phố đã triển khai thận trọng, đưa ra kịch bản với mục tiêu giảm ùn tắc.
"Đánh giá ban đầu của các Viện chuyên ngành cho thấy, đổi giờ đã có hiệu quả rất đáng phấn khởi. Chúng ta đã giãn được mật độ lưu thông giờ cao điểm", ông Thảo nói.
Tuy nhiên, theo ông Thảo, các nút giao thông giờ cao điểm buổi chiều chưa giảm ùn tắc rõ nét như Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã... bởi không kiểm soát được giờ tan học của học sinh.
Về chủ trương cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố, ông Thảo cho rằng, các đường phố chính đã thông thoáng hơn, trật tự hơn. Tuy nhiên, bất hợp lý là một số cơ quan chưa chịu bố trí đỗ xe trong khuôn viên như chỉ đạo của thành phố mà cho thuê mặt bằng bán bia hơi, cà phê... Các cửa hàng ăn uống cũng gây mất trật tự khi phương tiện đỗ tràn lan trên các tuyến đường.
"Phải kiên quyết cấm dừng đỗ xe trên các tuyến đường, nếu không cấm thì ngày càng ách tắc. Chủ trương này gây khó cho nhiều người đi ôtô song đa số người không đi ôtô đồng tình", ông Thảo bày tỏ.
Để giải quyết chỗ đỗ xe của người dân, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu khẩn trương xây dựng các điểm đỗ xe bằng giàn thép, tận dụng các bãi đất trống làm điểm đỗ và thu phí công khai. Với những nhà máy di chuyển ra ngoài phải dành một phần làm chỗ đỗ xe tĩnh, giải quyết nhu cầu trước mắt, bên cạnh các dự án bãi đỗ xe.
![]() |
Giám đốc Sở Giao thông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, giao thông tại một số nút vẫn không thay đổi và một số nút còn xuất hiện ùn tắc. Ảnh: Hoàng Thùy |
Lãnh đạo Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Giao thông sau khi rà soát lại quy hoạch bãi đỗ xe, cần xây dựng cơ chế thu phí trông xe theo lũy tiến, nếu chủ phương tiện đỗ thêm 30 phút thì sẽ tăng gấp đôi mức phí, đỗ thêm một giờ có thể tăng 3-4 lần...
Theo Giám đốc Sở Giao thông Nguyễn Quốc Hùng, kết quả điều tra ngày 16/2 cho thấy, hầu hết các nút giao thông đều vượt khả năng thông qua 1,5- 2,3 lần, có những nút vượt 4-5 lần. Kết quả ngày 23/2 tại các nút trọng điểm cho thấy, lưu lượng phương tiện giãn đều ra các giờ khác nhau, mật độ xe giảm 5-15% vào các giờ cao điểm. Thời gian ôtô con trên các đường xuyên tâm thành phố giảm 10-15 phút so với trước khi đổi giờ.
Bên cạnh đó, xe buýt không còn hiện tượng quá tải mặc dù sản lượng khách tăng 26% trên toàn mạng so với tháng trước.
Ông Hùng cho rằng, việc đổi giờ đã có tác dụng tích cực giảm ùn tắc giao thông trên một số tuyến phố chính ở khu vực trung tâm. Tuy nhiên, vẫn có một số nơi không thay đổi và xuất hiện ùn tắc mới như nút Daewoo, Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, Lê Duẩn - Khâm Thiên, La Thành... Nguyên nhân ùn tắc do trên các tuyến này người tham gia giao thông là công chức, lao động tự do không chịu ảnh hưởng từ đổi giờ.
TS Khuất Việt Hùng, ĐH Giao thông, cũng nhận định, mật độ phương tiện giảm 5-7% tại các nút giao thông, song do lưu lượng lớn nên không thể nhìn thấy mức giảm rõ rệt. Thời gian tới, thành phố nên tập trung mạnh vào giảm phương tiện cá nhân là ôtô cá nhân. Biện pháp mà ông Hùng đề xuất là nghiên cứu thu phí vào trung tâm như TP HCM. Ngoài ra, Hà Nội nên phân làn trên tất cả tuyến quốc lộ, vành đai bằng dải phân cách cứng để giảm ùn tắc và tai nạn.
Phó giám đốc Công an Hà Nội, Đại tá Trần Thùy bày tỏ, do áp dụng nhiều biện pháp giảm ùn tắc, cùng với việc xử lý nghiêm dừng đỗ sai quy định, lấn chiếm lòng đường vỉa hè, từ đầu năm đến nay, giao thông cơ bản chuyển biến tốt, tai nạn giảm 45%.
Tuy nhiên, Đại tá Trần Thùy cho rằng, vẫn có hơn 10 trường đại học không điều chỉnh giờ học, lại nằm dọc tuyến đường chính nên vẫn ảnh hưởng đến giao thông. Do vậy, cần có chỉ đạo thực hiện nghiêm túc để tạo đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch thành phố Hà Nội, cũng khẳng định, 2 tháng qua Hà Nội đã có chuyển biến trong an toàn giao thông, về các chỉ tiêu tai nạn, so với cùng kỳ đã giảm 45% số vụ, 41% số người chết, 43% số người bị thương. Song qua khảo sát vẫn còn 79 trong số 124 điểm thường xuyên ùn tắc.
Ông Khôi cho rằng, các quận huyện tiếp tục thực hiện nghiêm cấm đỗ xe trên 162 tuyến phố và đề xuất mở rộng thêm nhiều tuyến phố. Ngoài ra, các quận tiếp tục giải tỏa các chợ buôn bán kinh doanh lòng đường; rà soát, sắp xếp chỗ đỗ xe của phụ huynh đón con chứ không để dừng đỗ trước cổng trường học.
"Những hộ dân có cửa hàng song vẫn lấn chiềm ra vỉa hè thì không thể chấp nhận được. Người mua hàng thì phải vào điểm đỗ xe gửi xe, chứ không thể gác chân ngay vỉa hè để mua hàng", ông Khôi bày tỏ.
Đoàn Loan