Phát biểu về động lực phát triển và kế hoạch của địa phương trong năm 2025 được người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định đưa ra tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Bình Định, chiều 12/12.
Theo ông Tuấn, Bình Định đã xây dựng nền tảng phát triển bền vững, khác biệt với một số địa phương có tình trạng đỉnh cao rồi vực sâu. "Chúng tôi duy trì được sự ổn định, có dư địa phát triển tiếp nối, không phải ăn đong', ông Tuấn nói.
Trong nhiều lý do, Chủ tịch Bình Định cho rằng cách lãnh đạo đối xử với nhà đầu tư là một trong những yếu tố then chốt. Ông ví dụ năm 2023 nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất không đạt chỉ tiêu HĐND giao. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh quyết định không gây áp lực cho nhà đầu tư và thay vào đó động viên, tạo điều kiện.
"Chúng tôi đã xin chủ trương từ Bí thư Tỉnh ủy để tạo điều kiện, chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư. Kết quả, nguồn thu ngân sách năm 2024 đã đạt 15.615 tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán và tăng 23,2% so với cùng kỳ", ông Tuấn nói.
Năm 2025, Bình Định đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,6% đến 8,5%, nhưng ông Tuấn tin rằng tỉnh sẽ vượt mức trên 8,5%. Cơ sở để ông Tuấn có niềm tin này chính là loạt dự án đột phá của tỉnh, trong đó đáng chú ý là Khu công nghiệp Phù Mỹ. Dự kiến, khu công nghiệp này sẽ khởi công vào tháng 3/2025, đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Bình Định. "Chúng tôi đã quyết tâm làm việc ngày đêm, không kể thứ Bảy hay Chủ nhật", ông Tuấn khẳng định.
Song song đó, hai khu công nghiệp Phù Mỹ và Hoài Mỹ (Thị xã Hoài Nhơn) cũng đang dần hình thành, hứa hẹn mở ra dư địa phát triển lớn cho địa phương. Lãnh đạo tỉnh cho hay nhiều nhà đầu tư lớn đã bày tỏ sự quan tâm đến hai khu công nghiệp này.
"Lãnh đạo tỉnh đã làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, phần lớn đều là những dự án quy mô hàng trăm triệu USD, thậm chí có dự án lên đến cả tỷ USD. Tôi tin rằng, chỉ cần một nửa trong số này thành công, Bình Định sẽ cất cánh," ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiều dự án lớn tại các địa phương như Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn cũng đang trong giai đoạn quy hoạch, sẵn sàng triển khai. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, quá trình thuyết phục các nhà đầu tư kéo dài 3-4 năm, nhưng chính sự kiên định của lãnh đạo và tiềm năng phát triển của địa phương đã tạo niềm tin cho họ.
"Với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, chúng tôi cam kết nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi cũ. Đây là cơ hội lớn để Bình Định và người dân cùng đồng lòng, tạo đà phát triển mạnh mẽ," ông Tuấn kêu gọi.
Ông Tuấn cũng nhắc đến việc đầu tư hạ tầng giao thông, một trong 5 trụ cột phát triển của tỉnh. Theo ông, Bình Định đã được Chính phủ giao quyền đầu tư, mở rộng sân bay Phù Cát để trở thành sân bay quốc tế. Đến tháng 8/2025 khởi công được đường băng và chậm nhất là một năm sau, phải có đường băng.
Về đường bộ, dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang được tỉnh Bình Định chuẩn bị hoàn thành các thủ tục pháp lý vào năm 2025, để khởi công trong nhiệm kỳ tới. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm, kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế vùng.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đánh giá cao sự nghiêm túc và cầu thị của UBND tỉnh, cũng như các Sở ngành trong việc nhìn nhận trách nhiệm, đưa ra giải pháp khắc phục hạn chế.
Theo Bí thư Dũng, năm 2025 sẽ là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20. Tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP ít nhất 8,5%, thu ngân sách trên 17.000 tỷ đồng, đồng thời chuẩn bị các tiền đề để đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
"Năm 2025 là thời điểm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Các cấp lãnh đạo và người dân cần chung sức, đồng lòng với khát vọng phát triển, đưa Bình Định vươn mình mạnh mẽ", ông Dũng khẳng định.
Phạm Linh