Ngày 26/5, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, trả lời phỏng vấn VnExpress về diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.
- Số ca nhiễm Covid-19 tại Bắc Giang liên tiếp tăng cao, trong đó hôm qua (25/5) lên đến 375 ca. Ông nhận định như thế nào về diễn biến khẩn cấp này?
- Số ca nhiễm (F0) mới tăng nhanh không nằm ngoài dự đoán của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã phân tích ổ dịch tại công ty Hosiden (khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên) rất nguy hiểm. Nguyên nhân chủng virus Ấn Độ có tốc độ lây lan rất nhanh.
Hơn nữa, các phân xưởng của nhà máy trong các khu công nghiệp ở đây đa số là làm việc phòng kín, bật điều hòa - môi trường thuận lợi cho virus phát tán. Một ca nhiễm ngoài cộng đồng có thể chỉ lây cho một vài thành viên trong gia đình, những người tiếp xúc gần. Nhưng một công nhân trong phân xưởng làm việc cùng hàng trăm người khác, nên số lượng F0 và F1 đều nhiều. Vì vậy, chúng tôi có cơ sở để dự báo và lường trước tình huống cả nghìn công nhân sẽ nhiễm bệnh.
Trước khi tỉnh đóng cửa các khu công nghiệp thì ổ dịch tại công ty Hosiden đã lây trong xưởng sản xuất số 1 và 4. Trong tổng số hơn 4.000 công nhân của công ty này, đến nay đã phát hiện hơn 700 ca dương tính, chủ yếu tập trung ở hai xưởng nêu trên. Vì vậy, có thể khẳng định phần lớn ca nhiễm ở khu công nghiệp Quang Châu và các ca F0 mới phát hiện những ngày gần đây là công nhân công ty Hosiden.
- Vì sao số F0 ở Bắc Giang không tăng nhanh từ khi dịch bùng phát mà dồn dập vào mấy ngày gần đây?
- Nguyên nhân bởi trước khi đóng cửa các khu công nghiệp, chúng tôi đã xét nghiệm, nhưng nhiều người lần 1, lần 2 đều cho kết quả âm tính. Đến mấy hôm nay, nhiều công nhân khi xét nghiệm lại lần 3 (trong khoảng 21 ngày), mới cho kết quả dương tính. Số F0 ghi nhận tại Bắc Giang hiện rất lớn nhưng đã nằm trong dự tính của chúng tôi, bởi số F1 (những người nguy cơ cao) rất lớn, lên đến hàng chục nghìn. Nhưng tất cả F0, F1 ghi nhận những ngày qua, dù lên đến hàng trăm ca mỗi ngày, đều nằm trong khu cách ly tập trung hoặc vùng phong tỏa.
Những ngày gần đây, Bắc Giang ghi nhận 18 ca dương tính ngoài cộng đồng, nhưng không đáng lo ngại, bởi đều là người nhà của các công nhân, phần lớn rơi vào các khu đã được phong tỏa ở huyện Việt Yên.
- Với 1.454 ca nhiễm tính đến sáng 26/5, cao nhất cả nước, Bắc Giang đang gặp những khó khăn gì trong chống dịch?
- Tỉnh đang gặp ba khó khăn lớn. Đầu tiên là làm thế nào để sớm khống chế được dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng, nhất là quanh các khu công nghiệp, nơi có mật độ công nhân tập trung rất đông.
Khi chính quyền cách ly xã hội với những khu lưu trú của công nhân thì hàng vạn người phải nghỉ việc, ở nhà. Nếu thời gian cách ly dài sẽ gây khó khăn về cung cấp lương thực, thực phẩm, chăm lo đời sống công nhân.
Thứ hai, làm sao sớm khởi động lại được chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu của tỉnh. Nếu để đứt gãy chuỗi cung ứng từ các doanh nghiệp ở Bắc Giang sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế cả nước. Đơn cử, nếu Samsung Bắc Giang đóng cửa thêm thời gian nữa thì Samsung Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi không có đủ các sản phẩm đầu vào. Câu chuyện không để dứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất và chống Covid-19 là hai bài toán mâu thuẫn với nhau. Trách nhiệm của chúng tôi và các cơ quan Trung ương là làm sao hóa giải được mâu thuẫn ấy, vừa chống được dịch trong các khu công nghiệp, vừa từng bước khởi động lại chuỗi sản xuất. Đây là vấn đề lớn, chưa địa phương nào có kinh nghiệm, nhưng chúng tôi sẽ xây dựng từng bước, từ mô hình nhỏ, sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra. Quá trình này cần sự đồng thuận của xã hội. Về lâu dài, các địa phương như Bắc Giang cần xây dựng được nền sản xuất thích ứng và có khả năng tồn tại trong dịch bệnh.
Thứ ba, Bắc Giang đang gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản, hàng hóa trong đợt dịch. Tỉnh có 180.000 tấn vải thiều đang vào vụ, nhưng thời gian thu hoạch và tiêu thụ chỉ trong một tháng. Dưa hấu, dứa cũng đang vào đợt thu hoạch. Ngoài ra, tỉnh còn đàn gà sản lượng 1.700 tấn; lợn 5.600 tấn. Tính riêng các loại nông sản chính, giá trị đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Làm sao vừa chống dịch hiệu quả, vừa tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, là thách thức không nhỏ.
- Tình hình điều trị bệnh nhân ra sao khi số ca bệnh lớn và sẽ còn tăng, thưa ông?
- Toàn tỉnh hiện ghi nhận 1.454 ca nhiễm, nhưng mới bằng một nửa công suất giường bệnh mà chúng tôi đã thiết lập. Tỉnh đã có kịch bản cho tình huống có 3.000 ca nhiễm, nên chuẩn bị số giường bệnh tương ứng.
Tuy nhiên, nguy cơ từ số người nhà của công nhân cũng rất lớn. Hơn nữa, số F0 tăng nhanh mỗi ngày đòi hỏi số người phục vụ điều trị, truy vết, cách ly rất lớn. Nếu không có các biện pháp đảm bảo an toàn thì lực lượng tuyến đầu có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc quá tải.
Bộ Y tế đã tổ chức Tổ công tác đặc biệt cắm chốt địa bàn Bắc Giang do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Tổ trưởng, gồm các chuyên gia đầu ngành về dịch tễ, truy vết, điều trị, điều phối xét nghiệm... để hỗ trợ, phối hợp với chúng tôi chống dịch.
- Tỉnh tính toán như thế nào về việc áp dụng biện pháp mạnh hơn để dập dịch?
- Những ngày tới, Bắc Giang có thể tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, nhưng tốc độ lây lan sẽ giảm. Như tôi đã nói, số ca nhiễm đều là từ trước đây, bây giờ xét nghiệm lại mới ra kết quả dương tính. Đến nay, trên địa bàn chưa phát hiện thêm nguồn lây mới. Điều quan trọng nhất, là dù ghi nhận hàng trăm ca mỗi ngày, nhưng nguồn lây rõ ràng thì không đáng lo. Tình hình chỉ đáng lo ngại khi phát hiện dù chỉ một vài F0 nhưng không rõ nguồn lây.
Các ca nhiễm mới đều trong khu phong tỏa hoặc cách ly, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", nên rất ít có khả năng phán tán, lây lan dịch bệnh đến những nơi khác. Thời điểm hiện tại, Bắc Giang đang kiểm soát tốt tình hình.
Chúng tôi đã có phương án sẵn sàng cho tình huống cách ly xã hội toàn tỉnh theo chỉ thị 16, nhưng ở thời điểm này chưa cần áp dụng. Các ổ dịch chính tập trung chủ yếu ở khu công nghiệp huyện Việt Yên, một phần huyên Yên Dũng, một phần TP Bắc Giang. Tỉnh đã cách ly xã hội 4 huyện Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang; TP Bắc Giang, huyện Yên Thế giãn cách xã hội. Như vậy, các biện pháp dập dịch quyết liệt đang tập trung vào các ổ dịch lớn để đạt hiệu tốt nhất. Những ngày tới, chúng tôi sẽ theo sát diễn biến của dịch, nếu có lý do cần thiết sẽ lập tức phong tỏa toàn tỉnh.
- Vì sao tỉnh quyết định khôi phục dần hoạt động của 4 khu công nghiệp, khi số ca nhiễm là công nhân đang tăng cao?
- Việc khôi phục dần hoạt động các khu công nghiệp nhằm đưa Bắc Giang sang giai đoạn mới, vừa chống dịch, vừa sản xuất an toàn. Để được hoạt động trở lại, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện an toàn nghiêm ngặt.
Yêu cầu đưa các khu công nghiệp hoạt động lại rất cấp bách. Nếu chờ đợi đến khi dập xong dịch mới sản xuất thì chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Trước đây, khi quyết định đóng cửa các khu công nghiệp, chúng tôi đã lựa chọn cách giữ an toàn cho cả nước là xét nghiệm và giữ chân toàn bộ 60.000 công nhân của 61 tỉnh, thành ở lại. Chỉ một số rất ít chuyên gia hoặc công nhân về địa phương. Nếu Bắc Giang không giữ lại số công nhân này thì nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cả nước rất cao.
Nhưng cũng vì thế, địa phương đang phải giải quyết áp lực về chăm lo đời sống, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, tiền hỗ trợ công nhân trong thời gian họ nghỉ làm, cách ly. Vận hành lại các khu công nghiệp cũng nhằm giải quyết bài toán này. Nếu so sánh giữa việc buộc công nhân không có nguy cơ lây nhiễm (vì đã được xét nghiệm 2-3 lần và thường xuyên xét nghiệm khi đi làm trở lại) nghỉ làm, ở lại trong khu phong tỏa hoặc cách ly với việc đưa họ trở lại sản xuất trong môi trường an toàn, thì tôi cho rằng, lựa chọn thứ hai tốt hơn.
Tất nhiên, các doanh nghiệp sản xuất bây giờ khác với trước, chỉ duy trì công suất nhỏ, chứ không phải một nhà máy có bao nhiêu công nhân đều đi làm lại tất cả. Số công nhân tham gia sản xuất được xét nghiệm, sàng lọc rất kỹ, đảm bảo không có nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời, sau giờ làm, công nhân sẽ ở tập trung tại một nơi để doanh nghiệp quản lý, không giao tiếp với xã hội trong thời gian dịch bệnh. Nghĩa là công nhân được quản lý khép kín từ công ty đến khi về nơi ở. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp có chỗ ở cho công nhân ngay tại nhà máy sẽ được ưu tiên hoạt động trở lại.
- Bắc Giang đề xuất Trung ương hỗ trợ gì để khắc phục khó khăn và dập dịch?
- Chúng tôi đề nghị Trung ương, Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực để sớm dập dịch. Chúng tôi cũng mong muốn Bộ Y tế và các địa phương chia sẻ kinh nghiệm để tỉnh có thêm kinh nghiệm và năng lực chống dịch.
Bắc Giang đề nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân các khu công nghiệp, bởi đây là giải pháp căn cơ về lâu dài cho bài toán duy trì sản xuất trong dịch bệnh. Công nhân là người lao động xung kích trên mặt trận kinh tế, nên cần được ưu tiên.
Trước mắt, dịch bệnh tại Bắc Giang còn phức tạp, nhưng chiến lược chống dịch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và địa phương đang đi đúng hướng nên tôi tin tưởng sẽ sớm kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh.