Các chuyên gia hôm 24/3 cho biết công ty Nhật Bản Shoei Kisen KK, chủ sở hữu tàu container Ever Given, và các công ty bảo hiểm có thể bị Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập yêu cầu bồi thường vì gây thiệt hại doanh thu và gián đoạn hành trình của các tàu khác.
Tàu Ever Given, dài tới 400 m, trong khi di chuyển qua kênh đào Suez vào sáng 24/3 thì mất lái do gió lớn và bão cát. Con tàu khổng lồ đâm vào bờ kênh, bị mắc cạn và chắn ngang tuyến hàng hải quốc tế trọng yếu, khiến mọi hoạt động vận tải hàng quá qua đây bị tê liệt.
SCA đã nỗ lực tìm cách "giải cứu" con tàu có tổng trọng tải 219.079 tấn nhưng chưa thành công. Đây được nhận định là một trong những thảm họa tàu container nghiêm trọng nhất thế giới.
Theo các nguồn tin từ công ty bảo hiểm, các tàu container cỡ lớn như Ever Given có khả năng được bảo hiểm thân vỏ và máy móc từ 100 đến 140 triệu USD. Chi phí của hoạt động cứu hộ tàu cũng do bên công ty bảo hiểm thân vỏ và máy móc chi trả.
Ngoài SCA, chủ sở hữu và các công ty bảo hiểm của tàu Ever Given có thể bị chủ của các lô hàng trên tàu yêu cầu bồi thường vì hư hỏng hàng hóa hoặc giao hàng trễ so với dự kiến.
Rahul Khanna, quan chức tư vấn rủi ro hàng hải tại Allianz Global Corporate & Specialty (AGCS), cho biết các bên liên quan cũng có thể yêu cầu chủ tàu Ever Given bồi thường thiệt hại cho kênh đào Suez, sau khi xuất hiện hình ảnh cho thấy đội cứu hộ phải đào đất, đá từ bờ kênh để giải thoát con tàu bị mắc kẹt.
Tuy nhiên, tàu Ever Given có thể sẽ không phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường do chưa có báo cáo nào cho thấy sự cố của con tàu gây ra tình trạng ô nhiễm ra kênh đào Suez.
Chủ sở hữu Ever Given, Shoei Kisen KK, hiện chưa bình luận về thông tin.
Kênh đào Suez dài hơn 193 km là tuyến hàng hải duy nhất nối từ Địa Trung Hải vào Biển Đỏ và Ấn Độ Dương.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)