Chán ghét thứ hai là một hội chứng khá phổ biến đối với nhiều người, đặc biệt là dân công sở. Nhiều người cảm giác uể oải và nặng nề khi hai ngày cuối tuần trôi qua và ngày đầu tiên đi làm việc mới đã sẵn sàng.
Đồng nghiệp công ty tôi vô cùng mệt mỏi vào sáng thứ hai. Mỗi buổi tối chủ nhật, phải đưa bọn trẻ đi chơi, người lớn thì đi mua sắm. Đến buổi sáng thứ hai đầu tuần, một số đồng nghiệp của công ty tôi có cảm giác mệt mỏi và uể oải khi phải quay trở lại với những công việc vô cùng bận rộn và căng thẳng, bởi lẽ một số người đã phải dậy lúc 6h sáng để đi làm.
Đối với tôi, ngày đầu tuần cứ tưởng là khởi động một trang mới với biết bao nhiêu dự định, nhưng đối với đồng nghiệp của tôi, đó là thời điểm cực kỳ khó khăn, là ác mộng.
Việc phải quay trở lại đi làm, đối mặt với giao thông đông đúc và áp lực công việc có thể khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi và mất động lực làm việc.
Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ thứ hai. Đầu tiên phải kể đến chính là áp lực công việc quá lớn, bởi vì ở nhiều công ty, thứ hai đầu tuần là ngày giao KPI và xử lý các nhiệm vụ còn tồn đọng từ tuần trước.
Nhân viên phải đối mặt với khối lượng công việc lớn, các deadline gấp rút và yêu cầu từ cấp trên, khiến họ cảm thấy quá tải.
Tiếp theo, một số doanh nghiệp thường tổ chức cuộc họp vào sáng thứ hai đầu tuần để tổng kết hoạt động của tuần trước và lên kế hoạch cho tuần mới. Tuy nhiên, nếu như cuộc họp này kéo dài và mang tính chất chỉ trích, phê bình, khiến cho nhân viên bị mất tinh thần và động lực làm việc, thì việc gây căng thẳng đầu tuần cho nhân viên là điều không thể tránh khỏi.
Bên cạnh đó, có nhiều nhân viên không chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc thiếu kế hoạch cụ thể và tổ chức công việc không chỉ làm tăng nguy cơ cảm giác mệt mỏi, mà còn tạo ra sự lộn xộn và căng thẳng khi phải xử lý nhiều nhiệm vụ cùng một lúc.
Theo tôi, để xóa bỏ nỗi ám ảnh đi làm vào thứ hai đầu tuần, ngày chủ nhật chúng ta cần phải chuẩn bị công việc và nhiệm vụ mới bằng cách lên kế hoạch hàng ngày một cách rõ ràng, chi tiết.
Hãy tạo danh sách công việc, liệt kê các nhiệm vụ cần làm trong ngày và ưu tiên những việc quan trọng. Điều đó không chỉ giúp bạn quản lý các nhiệm vụ cần hoàn thành mà còn giảm thiểu cảm giác bị quá tải, nặng nề.
Tiếp đến, chúng ta cần có một màn khởi động cho tuần mới bằng cách tạo ra năng lượng tích cực cho bản thân, suy nghĩ những điều tích cực và thiết lập thời gian làm việc thoải mái cũng như mục tiêu cụ thể.
Thứ hai sẽ không còn là nỗi ám ảnh khi bạn trang bị cho mình những bí quyết "sạc đầy năng lượng", xóa bỏ những nỗi sợ khi đi làm vào đầu tuần.
Thu Sang