Buổi giao lưu "Chung sức toàn cầu" diễn ra với hàng trăm khán giả là sinh viên, các nhà khoa học trẻ. Tại đây, các chủ nhân Giải thưởng chia sẻ về những thách thức phải đối mặt trong hành trình khoa học của mình và những bài học đến thành công. Qua câu chuyện cho thấy họ đều có điểm chung là biết cách "tự tạo động lực để duy trì nghiên cứu khoa học".
Mở đầu buổi giao lưu, trên màn hình rộng, bức ảnh một cô gái chụp cùng đàn chim cánh cụt khiến nhiều khán giả thích thú. Đó là GS Susan Solomon đến từ Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, người vừa giành giải đặc biệt cho nhà khoa học nữ với đóng góp đột phá giúp mở rộng hiểu biết của nhân loại về hiện tượng suy giảm tầng ozone và vai trò của chất chlorofluorocarbons (CFC) trong quá trình đó.
Kể về hành trình bản thân, cuối mùa đông năm 1986, GS Susan khi ấy mới 30 tuổi, dẫn đầu đoàn thám hiểm 16 người du hành đến Nam Cực. Chuyến thực nghiệm của nhóm nhà khoa học Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) được khởi nguồn từ những tính toán của GS Mario Molina và Sherwood Rowland năm 1974, giả thuyết về tác động của CFC lên tầng ozone. Nhưng trong nhiều năm quy mô của sự suy giảm khiến các nhà khoa học bối rối. Điều này đã thôi thúc bà cùng cộng sự quyết định đưa giả thuyết vào thử nghiệm.
GS Susan bảo có khoảng thời gian tuyệt vời ở Nam Cực, vùng đất tuyệt đẹp, trắng muốt, hoang sơ với những sinh vật đáng yêu như chim cánh cụt. Nhưng Nam Cực hoang sơ như vậy vẫn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. "Phát hiện lỗ hổng tầng ozone là cú sốc với nhân loại", bà nói.
Các nhà khoa học đo đạc kích thước lỗ thủng, phát hiện thấy mức độ chlorine dioxide cao hơn một trăm lần so với dự đoán. Đây là bằng chứng trực tiếp đầu tiên chỉ ra chất chlorofluorocarbons (CFC), chất sử dụng nhiều trong tủ lạnh, điều hòa, bình xịt tóc, là nguyên nhân gây ra lỗ thủng tầng ozone. Dựa theo thành phần hóa học có tỉ lệ các chất bất thường trong thành phần lỗ hổng sinh ra, giúp chứng minh được tác động do con người. Cuối cùng nghiên cứu của bà và đồng nghiệp đã góp phần thúc đẩy Nghị định thư Montreal, một nỗ lực quan trọng giúp giảm lượng lớn phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.
GS người Nhật Bản Akira Yoshino, một trong 4 nhà khoa học nhận Giải chính VinFuture Grand Prize trị giá lớn nhất (3 triệu USD), với công trình tiên phong trong việc sử dụng muội than ở cực âm của pin Lithium-ion. Trước khi bắt đầu nghiên cứu về pin vào 1981 khi đã 33 tuổi, GS Akira theo đuổi lĩnh vực vật liệu mới. Ông chưa từng nghiên cứu về pin trước đó mà chỉ tình cờ phát hiện vật liệu tìm ra hoàn toàn có thể áp dụng với pin. "Tôi nghĩ động lực là luôn duy trì nghiên cứu. Công nghệ hay nghiên cứu này sẽ mang tới thành công tương lai không, đó là phần quan trọng nhà nghiên cứu cần hướng tới để tạo ra động lực", ông nói.
Còn GS Gurdev Singh Khush, người Mỹ gốc Ấn Độ - chủ nhân giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển - chia sẻ, động lực của ông là "tạo ra nhiều giống lúa, nhiều thực phẩm hơn để nhà nào cũng đủ đồ ăn". Ông sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp vào những năm 1960 - 1970, thiếu đói nhiều nơi đặc biệt các nước châu Á. Tại Ấn Độ, 10 triệu tấn ngũ cốc được nhập mỗi năm để cung cấp lương thực cho người dân. Động lực ấy thôi thúc ông tìm cách thay đổi các giống cây trồng để tạo ra năng suất cao hơn, rút ngắn thời gian sinh trưởng để tăng khai mùa vụ và tăng cơ hội toàn cầu.
35 năm gắn bó với Viện nghiên cứu giống lúa quốc tế IRRI suốt 35 năm, ông được mệnh danh là "phù thuỷ cây lúa" với nghiên cứu hàng loạt hàng dòng IR (như IR36, IR64) cho năng suất cao và kháng sâu bệnh, giúp phần giải quyết các thách thức thực tế nguy cơ xảy ra nạn đói ở châu Á. Giống GS Gurdev, GS Võ Tòng Xuân, Trường Đại học Nam Cần Thơ cũng "dành cả đời cho lúa gạo". Ông tiên phong trong cuộc cách mạng nông nghiệp, phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.
"Giỏi nhất là thất bại"
Trong nghiên cứu không phải lúc nào cũng thành công. Minh họa rõ nhất đến từ câu chuyện của GS Daniel Joshua Drucker, người Canada, chủ nhân Giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, mô tả bản thân "giỏi nhất là thất bại".
Ông kể bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học sau khi tốt nghiệp ngành y. Trước đó, ông chưa làm dự án nghiên cứu nào, chưa đi học thạc sĩ, tiến sĩ nên khi vào phòng lab thậm chí còn không biết làm gì. "Phần lớn thí nghiệm của ông không ra kết quả, ngày nào về nhà cũng thấy chán nản", nhưng ông cho hay thất bại là điều không thể tránh khỏi. Ông cổ vũ các nhà khoa học trẻ luôn vững tin và quyết tâm, có thể giải tỏa bằng cách tìm kiếm niềm vui từ gia đình, bạn bè, sẽ trở thành đệm đỡ khi vấp ngã.
PGS Svetlana Mojsov (Đại học Rockefeller, Mỹ) người cùng giải với GS Daniel Joshua Drucker đồng tình, cần phải tìm ra đam mê nhiệt huyết và đừng nản lòng. Chia sẻ về hành trình đầy khó khăn suốt hơn bốn thập kỷ theo đuổi về hormone GLP-1 giúp giảm cân, điều trị tiểu đường, bà khuyên người trẻ hãy mạnh dạn chia sẻ về những đóng góp, thành tựu của mình. "Chúng ta làm tốt vai trò của mình, viết được các bài báo, nghiên cứu, đồng thời cũng suy nghĩ về đóng góp của nhóm vào công trình nào đó, không chỉ là cá nhân", bà nói.
GS Stanley Whittingham,Đại học Binghamton, Đại học bang New York, Mỹ, chủ nhân giải chính chia sẻ kinh nghiệm về việc luôn giữ hợp tác trong khoa học. Ông kể "vẫn giữ liên lạc với hầu hết sinh viên" thậm chí hàng tuần qua zoom, từ học sinh thời phổ thông sau này thành giáo sư hóa học, hay sinh viên từ Mỹ, Trung Quốc để trao đổi công nghệ. "Các câu hỏi khó không nhất định tới từ người nhiều kinh nghiệm, đôi khi câu hỏi từ trẻ con cũng khiến ta suy nghĩ nhiều. Điều ấy khiến tôi phải tiếp tục tìm tòi, đó là động lực từ những người trẻ", ông nói.
Nhắc về trở ngại nhà nghiên cứu trẻ đối mặt, GS Daniel Joshua Drucker nhấn mạnh mức lương còn thấp, nhiều nghiên cứu sinh làm việc nhiều giờ đồng hồ chưa được trả công xứng đáng. Ông cho hay các chính sách khuyến khích có thể giúp thúc đẩy ngành nghiên cứu hấp dẫn hơn trong tương lai.
Song ông nhấn mạnh thực tế rất khó để tìm ra cơ quan, viện nghiên cứu phù hợp và mang đến sự hài lòng. Bên cạnh việc kết nối tìm hiểu thông tin để tìm môi trường làm việc lý tưởng, GS Daniel cũng gợi ý tận dụng thành công đến từ nghiên cứu như kết hợp doanh nghiệp làm nghiên cứu. Các kết quả tạo ra được doanh nghiệp sử dụng nếu có lợi nhuận sẽ đầu tư ngược lại, trong khi nghiên cứu thành công có thể lan tỏa cộng đồng, các trường, nghiên cứu và giúp huy động nguồn tài trợ.
Trong suốt gần ba giờ đồng hồ trao đổi với các sinh viên và nhà khoa học trẻ, các chủ nhân của giải VinFuture 2023 đều bày tỏ sự hạnh phúc và biết ơn khi được đến Việt Nam và vinh dự được nhận giải. "Tôi đã dành 40 năm làm việc với các nhà khoa học và những nhà lãnh đạo của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển lúa gạo. Nhờ sự kết hợp này, khi tôi nhận được giải thưởng này, cảm xúc biết ơn rất nhiều", GS. Gurdev Singh Khush nói.
Giải thưởng do Quỹ VinFuture được khởi xướng từ năm 2020 và trao hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Sau ba mùa giải đã có 27 nhà khoa học được tôn vinh.
Như Quỳnh