Theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS), Bình Nhưỡng gần đây tăng cường sử dụng thuật ngữ "chủ nghĩa Kim Jong-un", một hệ tư tưởng chính trị mới được đặt theo tên lãnh đạo 37 tuổi của Triều Tiên.
Giới quan sát đánh giá động thái này sẽ giúp lãnh đạo Triều Tiên được nâng tầm, ngang hàng với cha và ông nội, những người cũng được tôn vinh bằng "chủ nghĩa Kim Jong-il" và "chủ nghĩa Kim Nhật Thành".
"Kim Jong-un đã sẵn sàng khẳng định dấu ấn riêng vững chắc tại Triều Tiên", Ken Gause, chuyên gia thuộc viện nghiên cứu phi lợi nhuận Mỹ CNA, nhận định, nói thêm rằng ông Kim đã củng cố vị thế "lãnh đạo tối cao" từ đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7 vào năm 2016.
Tại đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 8 hồi tháng 1, ảnh chân dung hai cố lãnh đạo Kim Jong-il và Kim Nhật Thành không còn xuất hiện trên phông nền như thường lệ. Lời nói đầu về điều lệ đảng cũng được sửa đổi nhằm loại bỏ khái niệm Tiên Quân, chính sách đặt quân sự làm ưu tiên hàng đầu do ông Kim Jong-il khởi xướng. Thay vào đó, chính sách "đặt người dân lên trên hết" trở thành mô hình chính trị cơ bản của Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un.
Giới chuyên gia coi động thái này là bước chuẩn bị nhằm phổ biến chủ nghĩa Kim Jong-un cho công chúng Triều Tiên. Kim Jong-un thường xuyên nhắc tới quan điểm "lấy người dân làm trung tâm" như nền tảng tư tưởng cốt lõi của mình.
Lee Sang-sook, giáo sư tại Viện Các vấn đề Ngoại giao và An ninh Quốc gia thuộc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc, cho rằng Kim Jong-un có nhiều lý do để xây dựng hệ tư tưởng riêng, đồng thời vạch ra tầm nhìn dài hạn mới trong quá trình lãnh đạo đất nước.
Giới quan sát nhận thấy mục tiêu rõ ràng của Triều Tiên là thiết lập khuôn khổ thể chế nhằm nâng cao địa vị chính trị của lãnh đạo Kim Jong-un, giúp ông ngang hàng với các lãnh đạo tiền nhiệm. Chủ nghĩa Kim Jong-un phù hợp với mục tiêu đó.
Tại đại hội đảng lần thứ 8 hồi đầu năm, Kim Jong-un được bầu làm Tổng bí thư đảng Lao động Triều Tiên. Đây là chức danh ông Kim Jong-il đảm nhiệm trước khi qua đời. Đảng Lao động Triều Tiên sau đó bãi bỏ chức danh Tổng bí thư và truy phong ông Kim Jong-il là Tổng bí thư vĩnh viễn.
Khi Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2012, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất đảng Lao động Triều Tiên. Đến đại hội lần thứ 7 năm 2016, chức danh Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên được khôi phục, do Kim Jong-un nắm giữ. 5 năm sau, chức danh Tổng bí thư cũng được khôi phục và Kim Jong-un tiếp tục đảm nhiệm vị trí này.
Các bài báo của Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng, cũng bắt đầu gọi Kim Jong-un là lãnh đạo tối cao, tương tự cách gọi cố lãnh đạo Kim Nhật Thành.
Sáng kiến xây dựng hệ tư tưởng mới của Bình Nhưỡng được cho là còn thể hiện sự tự tin của Kim Jong-un vào những thành tựu ông đạt được. "Về mặt nào đó, sự ra đời của chủ nghĩa Kim Jong-un là lời ca ngợi lãnh đạo Triều Tiên, người không chỉ duy trì vai trò dẫn dắt đất nước, mà còn vượt quá mong đợi của cộng đồng quốc tế", Soo Kim, nhà phân tích từng làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định.
"Khi mới lên nắm quyền, Kim Jong-un khó có thể đề xuất một hệ tư tưởng khác với thời Kim Jong-il và Kim Nhật Thành", Cheong Seong-chang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong của Hàn Quốc, cho biết.
Vào thời điểm bắt đầu tiếp quản đất nước sau khi cha đột ngột qua đời cuối năm 2011, Kim Jong-un được cho là khá mờ nhạt so với hai lãnh đạo trước đây. Một năm sau, chủ nghĩa Kim Jong-il và chủ nghĩa Kim Nhật Thành trở thành "hệ tư tưởng dẫn dắt" của đảng Lao động Triều Tiên.
"Tuy nhiên, mục tiêu hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia trở thành hiện thực vào năm 2017 đã giúp Kim Jong-un gia tăng quyền lực trong bộ máy lãnh đạo Triều Tiên, mở ra cơ hội để ông ấy hoàn toàn thoát khỏi cái bóng quá lớn của cha và ông nội", Cheong cho hay.
Những thách thức kinh tế hiện nay dường như là một lý do khác thúc đẩy Triều Tiên phát triển chủ nghĩa Kim Jong-un. Các cuộc đàm phán hạt nhân bế tắc và nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 được cho thúc đẩy ông Kim nỗ lực chứng minh năng lực lãnh đạo và tầm nhìn đúng đắn của mình.
Chủ nghĩa Kim Jong-un có thể liên quan đến mục tiêu của lãnh đạo Triều Tiên là tập trung trở lại vào tăng trưởng kinh tế, trong khi tạm ngừng hoặc ít nhất là thu hẹp các chương trình hạt nhân và tên lửa của đất nước.
Giới chuyên gia có chung nhận định rằng tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Kim Jong-un là nguyên tắc đặt người dân và đất nước lên trên hết. "Lấy người dân làm trung tâm là nguyên tắc phù hợp để thu hút cảm tình từ công chúng, bởi nó nhấn mạnh người dân là yếu tố chính trong quá trình phát triển đất nước", giáo sư Lee đánh giá, nói thêm rằng nguyên tắc đưa đất nước lên hàng đầu còn giúp khơi dậy lòng ái quốc.
"Theo logic này, công chúng có thể cảm thấy rằng họ cần đáp lại nỗ lực vì người dân của lãnh đạo, với lòng yêu nước", Lee cho hay.
Những hình ảnh truyền thông Triều Tiên công bố hồi tháng 6 cho thấy ông Kim dường như đã sụt cân đáng kể. NK News, trang web chuyên về Triều Tiên có trụ sở tại Seoul, chỉ ra rằng cổ tay ông có vẻ nhỏ đi rõ ràng và dây đồng hồ ông đeo được thu ngắn so với hồi tháng 11/2020 và tháng 3.
"Nhìn thấy Tổng bí thư đáng kính Kim Jong-un gầy đi đáng kể khiến người dân chúng tôi rất đau lòng", một người Triều Tiên khi đó trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình nhà nước KRT.
Ánh Ngọc (Theo Korea Herald)