Mức án được TAND Hà Nội tuyên sáng 9/8, sau 8 ngày xét xử và nghị án. Bị cáo Trung, 61 tuổi, cựu chủ tịch Trung tâm hỗ trợ người nghèo (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam), nhận mức án cao nhất trong số 5 bị cáo, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Trung được xác định là chủ mưu, chịu trách nhiệm cao nhất, trực tiếp khởi xướng tổ chức và điều hành mọi hành vi sai phạm và chiếm hưởng riêng nhiều tiền nhất trong 5 người, bản án nêu.
Trong bốn cựu cán bộ Trung tâm hỗ trợ người nghèo, Bùi Thị Oanh bị phạt 9 năm tù, Phạm Văn Lực 6 năm tù, Nhâm Sỹ Phúc 7 năm tù và Phan Thị Thoa 8 năm tù.
TAND Hà Nội tuyên 5 bị cáo phạm tội có tổ chức, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, số lượng bị hại lớn và ở nhiều tỉnh thành. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ người nghèo nhưng bị cáo lại lợi dụng để chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại số tiền còn lại hơn 38 tỷ đồng cho các nạn nhân. Ba người đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ bồi thường là bà Oanh, ông Phúc và ông Lực.
Trước buổi tuyên án sáng nay, HĐXX quay lại phần xét hỏi do xuất hiện một số tình tiết mới. Cụ thể, em trai của bị cáo Trung đề nghị được thay mặt khắc phục tiền anh trai đã chiếm đoạt của các bị hại, gần 30 tỷ đồng. Song bị cáo Trung không đồng ý với lý do "đang kêu oan, không có lý do gì để bồi thường".
Chủ tọa cũng thông báo, con trai bị cáo Oanh tự nguyện thay mẹ bồi thường 6,5 tỷ đồng. Cùng với số tiền nộp trong giai đoạn điều tra, bị cáo Oanh được tòa công nhận hoàn thành nghĩa vụ khắc phục hậu quả, tổng 8,4 tỷ đồng. Đại diện VKS do đó đề nghị HĐXX hủy kê biên tài sản với bà Oanh và cân nhắc giảm hình phạt cho bị cáo này.
Trong các ngày thẩm vấn, bị cáo Trung là người duy nhất "kêu oan", cho rằng bị "vu oan, ép cung". Ông nhiều lần khẳng định bị cấp dưới vu khống, bịa đặt. "Họ làm sai thì họ chịu. Bị cáo không sai", ông Trung nói trong phiên tòa sáng 2/8.
Theo ông Trung, các bị hại đều nộp tiền cho Trung tâm trên tinh thần "tự nguyện", các chương trình lập ra nhằm mục đích giúp đỡ nông dân nghèo. Nhưng trước câu hỏi đã giúp được những gì, sản phẩm mua bán là gì, bị cáo đều quanh co, không thể đáp.
Trong lời sau cùng, bị cáo Trung tiếp tục khẳng định đã "làm đúng". Ông chưa từng gặp các bị hại và cũng không trực tiếp nhận chuyển khoản từ họ. Số tiền bị cáo nhận từ Trung tâm thực tế là tiền Trung tâm nợ ông ta các khoản mua sản phẩm tặng cho nông dân.
Đối chất, các bị cáo là cựu cán tại Trung tâm đều khẳng định làm theo chỉ đạo cao nhất của ông Trung. Tiền thu được từ 1.093 bị hại, đều nộp về cho Trung tâm và được ông Trung chia lợi nhuận tùy theo công sức.
Các bị hại được triệu tập đến tòa đều khẳng định "chỉ được yêu cầu nộp tiền cho Trung tâm chứ thực chất chưa được hỗ trợ, giúp đỡ gì". Họ đề nghị mức án nghiêm khắc với cả 5 bị cáo.
Bản án xác định, Trung tâm hỗ trợ người nghèo (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam) thành lập năm 2013, chưa được cấp phép hoạt động và không có hoạt động phát sinh doanh thu. Song từ tháng 4/2015, các bị cáo lấy danh nghĩa Trung tâm để tổ chức chương trình "Trái tim Việt Nam", kêu gọi nộp tiền với hứa hẹn trả lãi suất cao 475%- 814%.
Các bị cáo đã lập 26 điểm tư vấn, 6 nhóm để thu tiền của hơn 1.000 bị hại tại 16 tỉnh, thành phố, tổng cộng khoảng 148 tỷ đồng; đồng thời đưa thông tin sai sự thật về nguồn vốn của Trung tâm. Theo cáo buộc, 5 bị cáo chiếm đoạt, sử dụng cá nhân hơn 49 tỷ đồng. Riêng ông Trung chiếm hưởng 26,3 tỷ đồng.
Cuối năm 2015, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam giải thể Trung tâm. Song các bị cáo tiếp tục móc nối để tổ chức chương trình "Liên kết ba bên", hoạt động theo mô hình đa cấp để bán thực phẩm chức năng. Theo cáo trạng, từ chương trình này, các bị cáo tiếp tục thu về gần 17,5 tỷ đồng của 104 người. Ông Trung dùng một phần chi trả cho những người tham gia chương trình "Trái tim Việt Nam", còn lại chiếm đoạt 2,7 tỷ đồng.
Năm 1997, ông Trung từng bị phạt 2 năm tù vì tội Giả mạo giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan Nhà nước, của tổ chức xã hội.
Hải Thư