Chiều 7/9, trong ngày đầu tiên xét xử, trước khi thẩm vấn, TAND Hà Nội cho phát video dài hơn 10 phút về diễn biến vụ án. Xen lẫn quá trình thẩm vấn, HĐXX công bố video lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra.
Bị cáo buộc là một trong bốn chủ mưu của vụ án, bị cáo Công thừa nhận đã chỉ đạo chuẩn bị bom xăng, lựu đạn, dao phóng lợn để chống đối cảnh sát nhằm mục đích "giữ đất" tại khu vực cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức.
"Vì sao "giữ đất" lại cần lựu đạn, chả lẽ cài lựu đạn vào đất?", chủ toạ Trương Việt Toàn hỏi. Bị cáo Công nhỏ giọng trả lời theo kế hoạch, nếu nhà chức trách công bố về nguồn gốc đất đồng Sênh, các bị cáo sẽ yêu cầu đưa ra quyết định thu hồi đất. Nếu không, họ ném gạch đá, bom xăng và bước "gay gắt" sẽ dùng lựu đạn "chiến đấu đến cùng".
Trước câu hỏi "nhận thức thế nào về hành vi của mình khi gây ra cái chết của ba cảnh sát?", bị cáo Công cúi mặt nói rất hối hận. "Bị cáo gửi lời xin lỗi đến gia đình của ba cảnh sát hy sinh và xin được tha thứ. Bị cáo đã nhận ra những sai lầm, thành khẩn khai báo trước cơ quan điều tra và trước toà nên xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật", bị cáo 56 tuổi nói.
Bị cáo Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến khi trả lời thẩm vấn đều thừa nhận có hành vi giết người như cáo buộc của VKS, cùng mong được hưởng khoan hồng.
Bị cáo Tuyển khai "chỉ làm theo chỉ đạo của ông Lê Đình Kình", xin được hưởng mức phạt nhẹ nhất để sớm trở về chăm sóc gia đình.
Bị cáo Lê Đình Chức thừa nhận ngồi trên mái nhà hàng xóm, dùng dao phóng lợn chọc xuống dưới khiến ba cảnh sát đang di chuyển qua cửa sổ ngã xuống hố sâu 4 m giữa hai nhà. Bị cáo đổ xăng, châm lửa làm ba cảnh sát hy sinh. "Bị cáo biết chọc dao là nguy hiểm và là hành vi trái pháp luật, nhưng lúc đó vì muốn bảo vệ bố là Lê Đình Kình. Mong toà xem xét để bị cáo được hưởng khoan hồng", bị cáo 40 tuổi, nói.
Trong 6 người trả lời thẩm vấn chiều nay, HĐXX đánh giá duy nhất bị cáo Bùi Viết Hiểu "khai loanh quanh nhằm chối tội". Bị cáo 77 tuổi nói từng làm chủ nhiệm HTX Đồng Tâm giai đoạn 1981-1982, thấy cáo trạng nêu không đúng về nguồn gốc đất ở đồng Sênh. Ông tham gia "tổ đồng thuận" theo lời mời của ông Kình từ năm 2013 nhưng không phải chống đối mà với mục đích chống tham nhũng. "Thực tế, sau khi "tổ đồng thuận" thành lập đã có một số cán bộ chính quyền địa phương vướng lao lý do bị phát hiện có sai phạm liên quan đất đai", bị cáo Hiểu khai.
Video lời khai của ông Hiểu tại cơ quan điều tra sau đó được HĐXX công bố. Theo đó, bị cáo khai biết rõ nguồn gốc khu đồng Sênh là đất quốc phòng. Do ông Kình vận động lấy lại đất cho người dân, bị cáo làm theo. Năm 2018, bị cáo chán nản muốn nghỉ công việc ở "tổ đồng thuận" nhưng ông Kình nói "đã làm phải theo đến cùng" nên lại tiếp tục. Bị cáo thừa nhận có hành vi chống đối vào rạng sáng 9/1 khiến ba cảnh sát hy sinh.
Xem lại thông tin này, bị cáo Hiểu không thay đổi lời khai vừa trình bày tại toà. Chủ toạ Trương Việt Toàn nói "là người cao tuổi nhất, bị cáo hãy khai làm sao cho những người trẻ hầu toà ở đây thấy lời của người già là nghe được".
Phiên xét xử 29 bị cáo dự kiến diễn ra 10 ngày. Trong số này, 25 người bị truy tố về tội Giết người, 4 người về tội Chống người thi hành công vụ. Ông Kình đã chết nên được đình chỉ điều tra.
Theo cáo trạng, khu đất ở cánh đồng Sênh được Thanh tra Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận là đất quốc phòng. Tuy nhiên từ năm 2013, ông Lê Đình Kình cùng Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và nhiều người đã lập "tổ đồng thuận" với mục đích chiếm lại đất để chia nhau. Họ kích động, lôi kéo người dân xã Đồng Tâm đấu tranh giữ đất.
Sáng 9/1 biết công an triển khai nhiệm vụ ở Đồng Tâm, các bị cáo tổ chức chống đối khiến ba cảnh sát tử vong dưới hố do ngạt khí và cháy than hóa toàn thân.