Căn cứ Điểm m, Khoản 1, Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/7/2025 quy định rằng chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh là công dân Việt Nam có đăng ký kinh doanh theo quy định của Chính phủ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Đây là điểm mới của Luật bảo hiểm xã hội năm 2024 so với Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 hiện đang được áp dụng. Do đó, chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh cần lưu ý để thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Căn cứ Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định rằng hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, Nghị định 01 cũng có quy định các trường hợp sau đây không cần đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh ngành nghề có điều kiện (như kinh doanh thủy sản, kinh doanh phân bón, kinh doanh dược... theo Luật Đầu tư 2020):
- Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và làm muối.
- Bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến.
- Kinh doanh lưu động.
- Kinh doanh thời vụ.
- Kinh doanh dịch vụ có thu nhập thấp. Mức thu nhập thấp được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định áp dụng trên toàn địa bàn. Đơn cử, mức thu nhập thấp hiện tại ở Đắk Lắk được quy định là 2,25 triệu đồng/tháng, ở Đồng Tháp là 2,25 triệu/tháng tại khu vực nông thôn và 3 triệu đồng/tháng tại khu vực thành thị...
Như vậy, bạn cần xem lại trường hợp của mình có thuộc đối tượng đăng ký hộ kinh doanh không. Nếu thuộc trường hợp đăng ký hộ kinh doanh thì bạn cần phải đóng BHXH bắt buộc kể từ ngày 1/7/2025.
Thạc sĩ Nguyễn Trúc Anh