Chính sách được HĐND tỉnh Đăk Lăk khóa X thông qua tại kỳ họp ngày 10/12. Động thái này nhằm hỗ trợ voi nhà sinh sản, hạn chế xung đột giữa voi với người, góp phần bảo vệ đàn voi tại địa phương ngày càng giảm sút số lượng.
Theo đó, khi voi động dục (tính theo ngày), chủ voi cái sẽ được nhận 500.000 đồng một ngày, chủ voi đực nhận 600.000 đồng mỗi ngày.
10 tháng đầu voi mang thai, mỗi ngày người chủ sẽ nhận 300.000 đồng. Từ tháng 11 thai kỳ đến tháng thứ 6 sau khi voi sinh, chủ voi nhận 600.000 đồng mỗi ngày. Tổng số tiền chủ voi cái nhận khoảng 400 triệu đồng. Voi là một trong những động vật có thời gian mang thai lâu nhất, trung bình 22-24 tháng.
Ngoài ra, nài voi cái (người chăm sóc, huấn luyện) trong thời gian voi gặp gỡ, động dục, mang thai được hỗ trợ 200.000 đồng một ngày, trong vòng 29 tháng. Nài voi đực được hỗ trợ số tiền này trong 30 tháng.
Những địa phương thường có voi hoang dã xuất hiện được lập các tổ bảo vệ, mỗi tổ không quá 10 người theo dõi, giám sát di chuyển, xua đuổi voi phá hoại. Mỗi tổ được hỗ trợ 20 triệu đồng và mỗi người nhận 5 triệu đồng một năm.
Các tổ chức, hộ gia đình sinh sống, sản xuất hợp pháp trong khu vực voi hoang dã cư trú, di chuyển, khi bị voi tấn công sẽ được hỗ trợ 100% giá trị tài sản thiệt hại; hỗ trợ tiền khám, điều trị do voi gây ra...
Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk, giai đoạn 1980-1990, số lượng voi nhà ở Đăk Lăk trên 500 con, nay còn 45 con. Nhiều năm qua, khu bảo tồn phối hợp chủ voi ở huyện Lăk và Buôn Đôn tạo không gian để voi "yêu" nhau, thường xuyên theo dõi, lấy máu xét nghiệm những con voi mang thai...
Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương hỗ trợ 650 triệu đồng cho chủ của voi sinh sản thành công; voi con sinh ra bị chết được hỗ trợ 171 triệu đồng. Tuy nhiên, hơn 30 năm qua, có ba con voi mang thai nhưng đều chết lưu trong bụng mẹ.
Voi hoang dã ở Đăk Lăk phân bố chủ yếu ở huyện Buôn Đôn và Ea Súp, khoảng 5 đàn, với 80 -100 con. Voi thuộc động vật quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng, được liệt vào danh mục sách đỏ Việt Nam.
Trần Hoá