Thông báo của Công ty Phú Mỹ Hưng đưa ra trong đợt bốc thăm lần thứ 2 chọn người mua thêm 376 căn hộ Sky Garden 3 vào sáng 18/11. Dự án này từng gây sốt trong thời gian chuẩn bị cho đợt bốc thăm lần đầu hồi cuối tháng 10, khi hàng nghìn người chen lấn để đóng tiền "thành ý" mua 330 căn hộ Sky Garden.
Đại diện Phú Mỹ Hưng cho biết, công ty sẽ cùng ngân hàng HSBC đối chiếu danh sách khách hàng để hoàn tất thủ tục trả lại tiền vào hôm nay. Tiền sẽ được chuyển ngược trở lại vào tài khoản cá nhân khách hàng. Tiền mua bán căn hộ sẽ được chính thức thu khi chủ đầu tư hoàn tất xong phần móng của tòa nhà Sky Garden 3.
Tương tự, sau khi bị Sở Xây dựng kết luận là phạm luật Nhà ở do thu tiền trước khi hoàn tất phần nền móng, công ty Vạn Phát Hưng cũng thông báo cho hơn 180 khách hàng đến nhận lại 30 triệu đồng tiền giữ chỗ từ ngày 19/1. CapitaLand Việt Nam, chủ đầu tư căn hộ The Vista có kế hoạch trả lại tiền giành quyền mua căn hộ từ 19/11.
Sáng 24/10, đám đông ùa vào ngân hàng Indovina mở tài khoản, tìm suất bốc thăm quyền mua căn hộ Sky Garden 3. Ảnh: V.L. |
Trao đổi với VnExpress, Phó tổng giám đốc Phú Mỹ Hưng Bùi Thanh Sơn cho biết, vì Sở Xây dựng kết luận việc thu tiền là vi phạm điều 39 luật Nhà ở, công ty quyết định hoàn tiền "thành ý" lại cho khách hàng sau khi xác định thứ tự và quyền mua nhà.
Ông Sơn cho rằng, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã gần như hoàn chỉnh về quy hoạch, cơ sở hạ tầng đều đã hoàn thành, trừ đại lộ Nguyễn Văn Linh đang làm những hạng mục cuối cùng. Sky Garden 3 nằm trong khu đô thị đã hình thành, không phải là nhà riêng lẻ nên không thể nói là huy động vốn trước. Như vậy sẽ đánh đồng Sky Garden với các dự án khác thiếu vốn và kinh phí cần khách hàng hỗ trợ vốn.
Trong khi các chủ đầu tư chung cư cao cấp gây sốt thừa nhận sai và đồng ý trả lại tiền; thì giới kinh doanh địa ốc lại dấy lên nhiều ý kiến khác nhau.
Theo ông Sơn, tiền "thành ý" khách hàng gửi vào nhà băng là khoản tiền không sử dụng, do ngân hàng và công ty cùng quản lý. Đây là cơ sở pháp lý Phú Mỹ Hưng cam kết với khách hàng sẽ không thay đổi giá bán trong vòng 2 năm, đồng thời khi giao nhà chậm chủ đầu tư phải bồi thường. Số tiền này sẽ hoàn lại cho khách hàng (kể cả người được mua và không được mua).
"Trong trường hợp trả lại tiền, cam kết giữ nguyên giá bán trong 2 năm bị hủy bỏ. Và chắc chắn chúng tôi sẽ bán với mức giá thị trường của thời điểm tung ra căn hộ hoàn chỉnh", ông Sơn nhấn mạnh.
Tổng giám đốc công ty địa ốc Phúc Đức, ông Lâm Văn Chúc cho rằng, doanh nghiệp bán nhà trên giấy là phạm luật nhưng trả tiền lại thì càng rối hơn vì giá căn hộ sẽ tăng lên rất nhiều. Cuối cùng, khách hàng lại chịu thiệt.
Theo ông Chúc, dù hợp đồng giữa chủ đầu tư và khách hàng là hứa mua bán nhưng bản chất vẫn là huy động vốn. Trong quá trình đền bù dự án, mua đất, xin cấp phép, hợp thức hóa giấy tờ, doanh nghiệp đã mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Vì vậy, việc huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản để xây dựng tiếp các bước tiếp theo là chuyện hết sức bình thường.
"Nhà nước đã công nhận thị trường chứng khoán, một hình thức huy động vốn, sao lại không cho phép thị trường địa ốc làm tương tự", ông Chúc nhấn mạnh.
Song doanh nghiệp bất động sản nước ngoài tại thị trường Việt nam lại có quan điểm khác. Ông Linson Lim, trưởng đại diện của tập đoàn bất động sản Keppel Land tại Việt Nam cho biết, chính phủ kiểm soát việc kinh doanh nhà tại Việt Nam là cần thiết.
"Tôi cho rằng, chính phủ không có chủ ý điều khiển thị trường bất động sản mà chỉ cố gắng mang lại sự minh bạch và công bằng trong việc buôn bán nhà", ông Linson nói.
Vũ Lê