Khoản 7 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 quy định về định nghĩa nhà ở xã hội như sau: "Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật này".
Như vậy, nhà ở xã hội là một loại hình ưu tiên đặc biệt của Nhà nước với một số đối tượng người nghèo, người khó khăn về nhà ở, đối tượng chính sách. Trong khi đó, hợp đồng góp vốn lại là hình thức một bên góp vốn, một bên hứa hẹn sẽ bán cho bên góp vốn một căn hộ dự định hình thành trong tương lai.
Do vậy, việc ký kết hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội giữa chủ đầu tư và những người mua là trái với quy định pháp luật.
Về bản chất trường hợp của bạn thì ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư, quyền lợi của bạn đối với căn hộ mà bạn mua đã không được đảm bảo. Trong trường hợp chủ đầu tư bị bắt và tịch thu tài sản, bạn có thể sẽ không nhận được căn nhà ở xã hội như đã được bên chủ đầu tư cam kết.
Theo Điều 123 về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì: "Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu".
Hợp đồng góp vốn giữa bạn và chủ đầu tư là giao dịch có nội dung vi phạm quy định của pháp luật. Vì vậy, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể làm đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền đề nghị Tòa tuyên bố hợp đồng vô hiệu, buộc chủ đầu tư hoàn trả số tiền gốc và các khoản đầu tư thực tế mà bạn đã chi ra khi ký kết hợp đồng góp vốn này.
Trong trường hợp chủ đầu tư dự án bị bắt vì sai phạm liên quan đến dự án, bạn cần làm đơn gửi cơ quan điều tra để cung cấp thông tin và đề nghị đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan để được tòa án xem xét, giải quyết khi đưa vụ án ra xét xử.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội